Ảnh: Quý Hòa.
Đồng hồ đo tăng trưởng Thế Giới Di Động
Trao đổi với truyền thông, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO MWG cho biết Công ty nhìn thấy tiềm năng và cơ hội kinh doanh đồng hồ từ khá lâu nhưng chỉ thực sự triển khai ý tưởng này từ trước Tết. Sau 2 tháng ráo riết chuẩn bị, cửa hàng đầu tiên thử nghiệm bán đồng hồ đã xuất hiện tại 26 Phan Đăng Lưu (TP.HCM). MWG không lập cửa hàng riêng để bán đồng hồ mà dự tính sẽ bán lẻ đồng hồ tại các cửa hàng Thế Giới Di Động lẫn Điện Máy Xanh trên khắp cả nước và sẽ ưu tiên bán đồng hồ ở những cửa hàng đang thu hút lượng khách đông, đạt doanh thu cao. Lãnh đạo MWG gọi mô hình này là “shop in shop”.
MWG hiện đang bán khoảng 700 mẫu đồng hồ của 13 thương hiệu khác nhau. Có thể kể ra các thương hiệu như Micheal Kors, Fossil, Casio, Baby-G, G-Shock, Sheen, Edifice, Daniel Wellington, Megir và Mini Focus... Đây đều là những đồng hồ thời trang giá rẻ, dưới 7 triệu đồng. Trong đó, đến 60% mẫu đồng hồ ở MWG là thuộc phân khúc thấp, bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến 3 triệu đồng.
MWG chính thức tham gia bán đồng hồ thời trang, bên cạnh hoạt động bán đồng hồ thông minh (smart watch) cho Apple, Samsung, Xiaomi, Huawei, Garmin... đã triển khai từ lâu. Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, hiện MWG vẫn đang thử nghiệm ngành hàng đồng hồ nên chưa đặt nặng vấn đề mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cho mảng này.
MWG đã nhảy vào lĩnh vực bán lẻ đồng hồ chậm chân hơn PNJ và Doji. 7 năm trước, PNJ tiên phong thử nghiệm bán lẻ đồng hồ thời trang tại các cửa hàng trang sức của mình. Đến nay, PNJ thiết lập được khoảng 20 cửa hàng chuyên kinh doanh đồng hồ, tập trung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên PNJ khai trương cửa hàng flagship theo mô hình PNJ Next, chuyên bán đồng hồ, phụ kiện, trang sức cho người trẻ thành đạt. Có thể thấy, trong mảng đồng hồ, PNJ đã đi trước MWG về quy mô bán hàng. Ngoài ra, so về sản phẩm, PNJ cũng hơn hẳn khi hiện đang kinh doanh hơn 1.000 mẫu đồng hồ, ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung bình và giá thấp.
Dù thuộc phân khúc giá rẻ thì mức giá đồng hồ thấp nhất ở cửa hàng của PNJ là 2,6 triệu đồng. Nghĩa là ngay trong cùng phân khúc giá thấp, đồng hồ do PNJ phân phối vẫn có giá nhỉnh hơn so với mức độ bình dân mà MWG hướng tới.
Trên thực tế, theo ông Lê Trí Thông, CEO PNJ, Chiến lược của Công ty là tập trung vào tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao. Ngoài ra, PNJ hiện cũng đang độc quyền phân phối cho 2 thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ. Tương lai hoạt động phân phối độc quyền này sẽ còn đẩy mạnh.
Rõ ràng, cùng là phân phối đồng hồ nhưng đường đi của PNJ và MWG đã có sự khác biệt. Riêng Doji cũng có những cách thức riêng khi chen chân nhảy vào mảng bán lẻ đồng hồ thời trang từ cuối năm ngoái. Đến thời điểm này, Doji mới chỉ cung cấp hơn 60 mẫu đồng hồ của 3 thương hiệu Emporio Armani, Michael Kors và Versace.
Nhưng cả Doji, MWG và PNJ đều giống nhau ở chỗ là nhắm tới đối tượng khách hàng nữ. Cụ thể, 100% đồng hồ bán ở Doji là dành cho phụ nữ. Con số này ở PNJ là 75%. MWG cũng bán đồng hồ nữ là chủ yếu. Đây được xem là lựa chọn hợp lý khi phụ nữ là đối tượng quan tâm nhiều đến thời trang. Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là đồng hồ nữ ít bị làm giả hơn đồng hồ thời trang nam.
Mặt khác, khảo sát từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hầu hết đồng hồ giả, nhái trên thị trường đều là đồng hồ nam và có giá cao (trên 10 triệu đồng). Vì thế, để đi con đường thuận lợi hơn, cả PNJ, Doji và MWG đều chọn phân khúc đồng hồ nữ.
Cả ba công ty cũng cùng chung đánh giá, bán lẻ đồng hồ thời trang là lĩnh vực tiềm năng. Số liệu từ báo cáo của PNJ cho hay, thị trường đồng hồ ở Việt Nam hiện có giá trị khoảng 17.000 tỉ đồng, tương đương gần 750 triệu USD. Đây là quy mô thị trường đủ hấp dẫn bất kỳ doanh nghiệp nào. Đặc biệt, như VDSC nhận định “thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ”. Đây chính là động lực thôi thúc các doanh nghiệp tham gia vào bán lẻ đồng hồ.
Một yếu tố khác thu hút các công ty nhảy vào lãnh địa bán lẻ đồng hồ là biên lợi nhuận gộp từ mảng này thường ở mức 60-70%. Tuy nhiên, VDSC nhìn nhận, lĩnh vực bán lẻ đồng hồ “không hề dễ ăn”. Bởi đồng hồ chính hãng vẫn có giá bán khá cao so với mức thu nhập chung để người Việt sẵn sàng mua và thay đổi. Hơn nữa, đồng hồ là mặt hàng có đồ bền cao, ít cần đến bảo trì thường xuyên nên hàng xách tay sẽ có ưu thế về giá hơn so với mua đồng hồ tại các cửa hàng trong nước.
Đây chính là thách thức cho MWG. Nhưng ông Đoàn Văn Hiểu Em có niềm tin rằng, đồng hồ ngày càng trở thành phụ kiện thời trang nên nhu cầu đồng hồ sẽ gia tăng. Ngoài ra, MWG sẽ tập trung nhiều hơn vào nhóm đồng hồ giá 2-3 triệu đồng, một ngách mà thị trường còn bỏ ngỏ.
MWG cần tìm những cách thức, hướng đi sao cho giải được bài toán duy trì đà tăng trưởng cao. Bởi với quy mô doanh thu của MWG đã lên tới hàng tỉ đô, để đạt tăng trưởng doanh ở mức 24-25%/năm như kế hoạch là cả thách thức. Vì thế, thị trường đang thấy MWG liên tục xoay sở, chuyển đổi, mở rộng. MWG dường như muốn truyền đi thông điệp: Công ty sẽ bán cả những món chưa từng bán và tiếp cận những khách hàng chưa từng tiếp cận bao giờ. Mục đích miễn sao MWG có thể gia tăng dược doanh thu, như kế sách ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, từng tiết lộ.
Rõ ràng, MWG đang gặp những áp lực về tăng trưởng sau những năm tháng tăng trưởng nóng (trung bình tăng 52%/năm suốt thập niên qua). Trước mắt, các bước đi của MWG vẫn được giới phân tích nhìn nhận lạc quan. Nhưng lâu dài, khả năng tạo đột phá của MWG vẫn là ẩn số.