Dòng chảy tín dụng vào guồng quay
Ngân hàng BIDV vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, với điểm nhấn là dư nợ tín dụng tăng 6,94% so với đầu năm; trước đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2017 đã là 4,6%. Các ngân hàng nhỏ hơn cũng có tốc độ tăng tín dụng không kém như tại TPBank, tín dụng ước tăng khoảng 10%.
Chưa có số liệu quý II/2017, nhưng tính riêng quý I, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như SCB tăng 9%, ACB tăng 8,3%, Vietcombank tăng hơn 8%, VietinBank tăng 5,6%. Từ đầu năm đến nay, diễn biến tăng trưởng tín dụng đã khác với quy luật cùng kỳ, tăng mạnh trong quý I (Tết Âm lịch), trong khi thông thường là tăng chậm.
Nhìn chung, hầu như các ngân hàng đều chủ động đẩy mạnh tín dụng hơn so với các năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo hoạt động ngân hàng 5 tháng đầu năm, tín dụng tính đến ngày 25.5 tăng 6,53% so với cuối năm 2016, cao hơn nhiều so với con số 5% cùng kỳ năm 2016 và 4,5% của năm 2015. Chưa hết, theo tính toán của Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 đến nay, hiện ở mức 11% trong quý I/2017. “Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009-2017, chỉ đứng sau mức 13% của quý I/2011”, báo cáo viết. Chỉ số này đo lường mức độ chênh lệch giữa mức cấp tín dụng trên GDP trong kỳ báo cáo và mức trung bình những năm gần đây. Nó được xem là một trong những chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khuyến nghị.
Điều khiến nhiều người lo ngại là thị trường có thể lặp lại sai lầm trong quá khứ, khi tín dụng đổ vào những lĩnh vực không ưu tiên như thị trường bất động sản hoặc lĩnh vực tài chính chứng khoán. Điều này càng có cơ sở khi chỉ số VN-Index đã lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, hay bất động sản gần đây liên tục phát đi tín hiệu cảnh báo nóng. “Có một câu hỏi là dòng tiền đầu tư hiện nay đang đi đâu, có phải đang bị sử dụng dàn trải kém hiệu quả và chưa đi đúng vào các ngành, lĩnh vực sớm tạo ra tăng trưởng hay không?”, một vị đại biểu đặt vấn đề chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua khi tín dụng tăng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại ở mức thấp.
Mối quan tâm về hướng đi của dòng tiền tín dụng đã được cơ quan nhà nước chú ý nhiều trong thời gian qua. Theo giải thích của đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong cơ cấu tín dụng, tốc độ cho vay bất động sản có diễn biến chậm lại so với năm trước; tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất kinh doanh các dự án lĩnh vực ưu tiên, lớn, trọng tâm chiếm khoảng 50% tổng dư nợ; tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 19%, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, điều đáng bàn là những con số thành phần tăng trưởng của tín dụng, trong đó hai lĩnh vực mà thị trường quan tâm nhất là bất động sản và cơ sở hạ tầng. Trước hết là các dự án hạ tầng, một lĩnh vực mà ngân hàng đã rót nhiều vốn trong thời gian gần đây. Sắp tới, khi vốn đầu tư thuộc nhóm giá rẻ như ODA sẽ chậm lại, vốn giải ngân từ ngân sách chưa đạt mức cao như kỳ vọng, các hình thức cộng tác BT, BOT hay PPP (hợp tác công tư) xuất hiện nhiều trục trặc, ngân hàng được xem là “bầu sữa” của các dự án này. “Đối với các khoản cho vay cơ sở hạ tầng, chúng tôi cho rằng áp lực lên các ngân hàng có thể sẽ kéo dài do nhu cầu rất lớn trong bối cảnh các khoản cho vay ưu đãi thấp và sự không hiệu quả của hợp tác công tư”, báo cáo SSI viết.
Bắt đầu từ năm ngoái, các khoản vay hạ tầng đã được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo. Dù không đưa ra ngưỡng tăng trưởng giới hạn cụ thể, nhưng cơ quan quản lý đã phát tín hiệu khuyến cáo các ngân hàng thận trọng trong lĩnh vực này. Theo số liệu tại một buổi hội thảo vào tháng 9 năm ngoái về tình hình cho vay hạ tầng, tính đến 30.6.2016, tổng mức tín dụng cam kết cấp cho các dự án BOT, BT giao thông là gần 160.000 tỉ đồng (tổng số dư cấp tín dụng đạt 83.611 tỉ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015). Lý do là vì chậm tiến độ do năng lực nhà thầu, hay tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, tăng tổng mức đầu tư dự án, khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung.
Ở lĩnh vực bất động sản, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến hết quý I/2017, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ chiếm khoảng 10,88% tổng dư nợ tín dụng, tăng trưởng tín dụng khoảng 3,2% so với hồi đầu năm. Con số này thể hiện sự cẩn trọng và cho vay chặt chẽ hơn, theo nhận định của ông Minh.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là lĩnh vực bất động sản cũng tăng trưởng mạnh dưới hình thức cá nhân. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho vay tiêu dùng trong quý I/2017 ước tăng 29,7% so với cuối năm 2016, trong đó khoản cho vay sửa chữa nhà và mua nhà để ở tăng khoảng 38,4% so với năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng, tăng so với mức cuối năm ngoái là khoảng 49,5%. Báo cáo của cơ quan này cũng cảnh báo sự chuyển dịch của hình thức tín dụng bất động sản sang tín dụng tiêu dùng.
Một điều đáng chú ý khác là lĩnh vực cho vay nông nghiệp cũng có những điểm nhấn mới. Cập nhật mới nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua cho thấy đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết rót khoảng 120.000 tỉ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, vốn được cổ xúy từ cuối năm ngoái, với quy mô tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng. Chưa có thêm nhiều đánh giá của cơ quan thẩm quyền về đích đến cụ thể và hiệu quả của những khoản vay này, nhưng rõ ràng là sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 18% đưa ra trong năm ngoái. Có lẽ các cơ quan quản lý vẫn giữ sự thận trọng nhất định, cho dù đã có đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc kích thích tín dụng nhiều hơn dưới áp lực GDP tăng trưởng thấp.
Thanh Phong