Thứ Năm | 01/11/2012 14:16

Đơn vị thành viên của VTC chuyển nhượng 51% cổ phần cho VCTV

Công ty Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam (CEC), công ty mà VTC nắm 21% vốn, chuyển nhượng cổ phần cho VCTV để lấy tiền trả nợ.
Mới đây, Công ty Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam-CEC đã phải gửi một thông báo chuyển quyền quản lý, điều hành mạng truyền hình cáp của CEC sang VTV do Giám đốc Đào Duy Kiên ký.

Theo đó, từ ngày 1/11/2012, thuê bao của CEC sẽ được hưởng các dịch vụ của VCTV. Thế nhưng, các thuê bao truyền hình cáp của CEC sẽ phải điều chỉnh hợp đồng theo quy định của VCTV.

Theo thông tin trên website của CEC thì công ty này được thành lập vào năm 1996 từ một doanh nghiệp chuyên về sản xuất và cung ứ thiết bị ngành phát thanh, truyền hình thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Truyền hình Việt Nam VTC - Đài Truyền hình Việt Nam.

Đến nay, Công ty CEC đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động đầu tư và kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực thuộc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

CEC hoạt động chính trong mảng truyền hình cáp, hiện cung cấp 80 kênh truyền hình độ nét tiêu chuẩn SDTV và gần 30 kênh truyền hình độ nét cao HDTV.

Như vậy, từ tháng 12 các thuê bao của CEC sẽ phải trả cước thuê bao thêm 33.000 đồng/tháng so với trước đây. Ông Hoàng Ngọc Huấn, Tổng giám đốc VCTV cũng đã xác nhận với truyền thông sẽ có khoảng gần 20.000 thuê bao của CEC được chuyển sang VCTV.

Trả lời ICTnews sáng nay, ông Nguyễn Khả Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VTC cho biết, hiện VTC chỉ còn giữ 21% trong CEC. Do khó khăn vì đầu tư vào hạ tầng truyền hình cáp quá lớn bằng vốn vay nên CEC đã phải bán cho VCTV để lấy tiền trả nợ ngân hàng.

"Việc quyết định bán như thế nào là do quyết định của Hội đồng quản trị của CEC chứ không phải là quyết định của VTC vì chúng tôi không nắm cổ phần chi phối ở công ty này", ông Nguyễn Khả Dân nói.
Nguồn tin của ICTnews cho biết là CEC đã bán 51% cổ phần cho VCTV và vẫn giữ lại 49% cổ phần.

Trả lời ICTnews trước đó, ông Đào Duy Kiểm – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CEC cho biết, chi phí đầu tư cao chính là lý do khiến các nhà cung cấp truyền hình cáp chỉ có thể phát triển ở đô thị và những nơi có mật độ dân cư cao.

Bình quân chi phí cho một suất đầu tư đến 1 hộ gia đình ở đô thị khoảng 5 triệu đồng (chưa kể bộ giải mã tín hiệu) và như vậy phải đưa vào khai thác ít nhất là 5 năm mới hòa được vốn. Còn nếu đầu tư ra tới các trung tâm huyện thị hoặc các vùng phụ cận thì chi phí còn cao hơn, dẫn đến khả năng thu hồi vốn rất khó.

Nguồn ICTnews


Sự kiện