Chủ Nhật | 19/01/2014 09:48

Don Lam và sứ mạng tại WEF 2014

VinaCapital cũng là một trong các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham dự và gia nhập WEF.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, là một trong những đại biểu doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia Hội nghị Thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 22 – 25/ 01/2014 tại Davos, Thụy sĩ. Trước khi lên đường, ông đã buổi chia sẻ về sự kiện này cũng như sứ mạng của mình tại Davos.

VinaCapital Group là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên gia nhập WEF, ông đánh giá các hoạt động của WEF có khác gì so với những hội nghị hay hội thảo khác?

Có thể nói WEF là diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay và hội nghị Davos tổ chức vào tháng 1/2014 dự kiến sẽ có hơn 40 nhà lãnh đạo chính phủ các quốc gia tham gia, ngoài ra còn có lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, và các học giả hàng đầu thế giới gặp gỡ thảo luận về những chủ đề kinh tế, xã hội, chính trị mang tính chất toàn cầu. Số lượng đại biểu có thể lên tới con số 2500. Có lẽ không có một hội nghị quốc tế nào có quy mô tương tự như thế.

Phía Việt Nam tham gia sự kiện này dự kiến sẽ có một số lãnh đạo cao cấp từ Chính phủ như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN. VinaCapital là 1 trong số những đại biểu doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia sự kiện này.

VinaCapital cũng là một trong các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham dự và gia nhập WEF. Đến với WEF lần này, tôi không những đi với tư cách đại diện cho VinaCapital mà còn là đại sứ “không lương” cho Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Tôi cũng tham gia phiên thảo luậnvới chỉ khoảng 30 thành viên để bàn về các chính sách phát triển của cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC).

Mới đây, giám đốc của quĩ đầu tư nổi tiếng thế giới Templeton Frontier Markets Fund, ông Mobius cho rằng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường đầu tư mới nổi hấp dẫn nhất. Điều này theo ông có hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trì truệ suốt các năm gần đây?

Tôi đồng ý với ý kiến của ông Mobius, khi mà những chỉ dấu cho sự hồi phục của nền kinh tế đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt từ nửa cuối quý 2/2013, những dấu hiệu ổn định dần rõ ràng hơn như lạm phát thấp, lãi suất cho vay thấp hơn, tỉ giá ổn định và tăng trưởng GDP cũng cao hơn.

Và điều rất quan trọng, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và phát triển của thị trường Việt Nam dần được hồi phục trở lại. Điều này có thể phần nào thể hiện thông qua các phiên mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Ngoài ra, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Vì vậy, theo tôi được biết, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài xem đây là thời điểm để bắt đầu đầu tư vào Việt Nam.

Lẽ dĩ nhiên, có nhiều người cho rằng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm nhưng điều tốt hơn cả là quá trình đó vẫn đang tiếp tục được tiến hành và chúng ta cần nó tiếp tục thể hiện.

Ngoài ra, thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ cũng thể hiện những cam kết mạnh mẽ đối với việc tái cấu trúc, đổi mới về kinh tế, ổn định về chính trị nội bộ và đó là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin.

Theo bà giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt nam Victoria Kwakwa , mặc dù khó khăn nhưng tỉ trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn đang có xu hướng tăng lên và đây là điều quan trọng để thúc đẩy tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Theo quan sát chung của chúng tôi, chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay sẽ giảm vì vì chi phí tài chính giảm xuống (lãi suất vay đã giảm hơn năm trước khá nhiều và trong năm 2014, có thể giảm thêm 1-2%), biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vì vậy được dự đoán sẽ cao hơn. Ngoài ra, trong vòng 3 năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã bị đào thải trong quá trình vận động của nền kinh tế, các doanh nghiệp sống được đến thời điểm này được xem là những đơn vị mạnh, có đường hướng phát triển tốt hơn và có lợi thế cạnh tranh vì họ sẽ có thêm thị phần từ các doanh nghiệp đã “rơi rụng”.

Được biết, một trong những nội dung quan trọng ông mang đến cho diễn đàn WEF lần này là giới thiệu về tiềm năng của cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Ông có thể chia sẻ những nội dung chính về chủ đề này mà ông mang tới diễn đàn WEF?

Đúng vậy, công đồng kinh tế AEC dự kiến sẽ được thành lập vào 2015. Tôi đến WEF lần này là để quảng bá cho thế giới biết về tiềm năng của cộng động này, đó không phải là nền kinh tế 90 triệu dân như Việt Nam mà là một nền kinh tế với 600 triệu dân, thống nhất hơn và các rào cản sẽ bị dỡ bỏ, môi trường đầu tư, kinh tế sẽ thông thoáng hơn trước rất nhiều.

Tôi đến WEF còn với tư cách là Phó Chủ tịch của Global Agenda Counsil on Asean ,có nhiệm vụ thảo luận các đề xuất cho chính sách thúc đẩy sự phát triển cộng đồng này. Đây là việc lớn vì phải làm sao để người dân các quốc gia dần cảm nhận được rằng họ không chỉ là công dân của một quốc gia riêng biệt mà còn là thành viên của một cộng động ASEAN lớn hơn thế, giống như cộng đồng Châu Âu hiện nay.

Vì đây là kế hoạch rất lớn nên chúng ta phải bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Ví dụ, chúng tôi có sáng kiến thực hiện ở các sân bay đầu tiên. Các sân bay trong toàn bộ khu vực phải có lối đi riêng chỉ để dành cho công dân thuộc ASEAN (ASEAN lines). Điều này dần dần sẽ giúp tạo cảm giác cho người dân các quốc gia rằng họ đang thuộc về một cộng đồng chung thống nhất hơn và theo ông Tony Fernandes, Tổng Giám đốc của AirAsia, hãng hàng không của ông sẽ là đơn vị tiên phong đầu tiên vẽ logo của ASEAN lên các máy bay của hãng.

Chúng tôi còn có sáng kiến sẽ quy hoạch cụ thể các quốc gia theo lợi thế cạnh tranh (Center of Excellent), ví dụ Thái Lan sẽ là quốc gia tập trung về ngành ô tô, Việt Nam sẽ là quốc gia nông nghiệp, Singapore thiên về tài chính còn Indonesia là quốc gia mạnh về khoáng sản. Việc định hướng như thế cũng giúp đào tạo nguồn nhân lực cơ bản và chuyên sâu. Chẳng hạn khi cần đào tạo người họat động trong lĩnh vực tài chính, chúng ta có thể gửi họ đến học tại Singapore, hay tìm hiểu thêm về ô tô thì sẽ đưa người sang Thái Lan.

Các đại diện của Myanma (có thể có cả Tổng thống Thein Sein) sẽ tham dự WEF lần này, chúng tôi sẽ thảo luận trực tiếp với họ để khi Myanmar giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, họ sẽ tác động tích cực đến các thành viên khác trong khu vực.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện cũng nổi lên là điểm nóng của những xung đột về lãnh thổ. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài vào các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam?

Theo tôi được biết, nhà đầu tư nước ngoài không thật sự xem các vân đề xung đột về lãnh thổ, lãnh hải mới đây là loại rủi ro cao, vì theo họ các quốc gia phải tự ý thức được nếu điều này xảy ra, tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vì vậy, các nhà đầu tư xem đây là rủi ro trong dài hạn.

Nhưng ngược lại, rủi ro ngắn hạn mới chính là điều mà nhà đầu tư quan tâm, đó là sự ổn định bên trong một quốc gia. Chẳng han, Thái Lan nơi gần đây xảy ra hàng loạt các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho hãng sản xuất xe hơi Toyota vì nguồn cung các thiết bị phụ tùng bị gián đoạn. Còn tại Campuchia, các vụ xung đột cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành may mặc ở nước này.

Thậm chí với Việt Nam, nếu cách đây vài năm, tôi có mời các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam thì họ từ chối vì cho rằng đất nước chưa thực sự ổn định thì chúng tôi khộng thể bỏ tiền vào đầu tư được. Nhưng từ nửa cuối năm 2013, sự ổn định vĩ mô của Việt Nam đã dần rõ nét hơn và theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư dần hồi phục và tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện