Ảnh: Petrotimes.vn
Đơn hàng giảm 30%, xuất khẩu dệt may khó cán đích
Doanh nghiệp dệt may gặp khó, kim ngạch xuất khẩu tăng chậm
6 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD tăng 29,9%, các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD tăng 1,1%, vải địa kỹ thuật tăng 16,9%, phụ liệu dệt may giảm 0,29%.
Tính đến thời điểm hiện tại, 4 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất là Mỹ chiếm 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP chiếm 16,71%; EU chiếm 13,36%; Hàn Quốc chiếm 8,91%.
Theo đánh giá của ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Hiện tại tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.”
Còn theo Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TP.HCM cũng nhận định, mức tăng 8, 61% trong 6 tháng đầu năm 2019 là mức tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn do lao động sụt giảm, chi phí tăng, trong khi đơn hàng vẫn có nhưng không nhiều như trước đây.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Tuy nhiên, hiện nay hiệp định chỉ mới dừng lại ở mức ký kết vào cuối tháng 6/2019 và phải đến cuối năm nay mới chính thức có hiệu lực, vì thế hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chịu thuế dẫn đến tình trạng khó khăn về đơn hàng xuất khẩu hiện nay của các doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm, đơn hàng dệt may giảm 30%. Ảnh: Kinhtedothi.vn |
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn trên, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.
6 tháng đầu năm 2019 và trong 6 tháng tiếp theo, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về vấn đề thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế… Trên cơ sở đó, tiếp tục vận động chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ, chi phí sản xuất, chính sách tiền lương, làm thêm giờ, chế độ bảo hiểm, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm…
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt-May-Thêu-Đan TP.HCM cũng nhận định rằng 6 tháng cuối năm, tăng trưởng dự báo sẽ tốt hơn, đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt mốc 40 tỷ USD.