Trang Lê Chủ Nhật | 22/04/2018 22:54

“Đòn bẩy” du lịch từ chính sách miễn thị thực

Chính sách thông thoáng, cởi mở thị thực sẽ góp phần giúp du lịch Việt Nam đạt các mục tiêu lớn.

Miễn visa chia khóa vàng cho du lịch Việt Nam

Ngày 30/6/2018 là thời hạn miễn thị thực cho 5 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) sẽ kết thúc, nhưng hiện nay Chính phủ vẫn chưa quyết định là sẽ gia hạn miễn thị thực hay sẽ dừng chính sách này. Visa được coi là một trong những chìa khóa vàng để cởi trói cho du lịch Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngay từ năm đầu tiên áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh, Việt Nam đã đón 720.000 lượt khách Tây Âu, tăng thêm 96.000 lượt so với cùng kỳ, tổng thu từ lượng khách này là 126 triệu USD.

Khi Chính phủ tiếp tục gia hạn miễn thị thực nhập cảnh thêm 1 năm, lượng khách từ các quốc gia này trong năm 2016 tăng thêm hơn 16%, tương đương 114.000 lượt khách, doanh thu tăng thêm 76 triệu USD.

“Don bay” du lich tu chinh sach mien thi thuc
Biểu đồ về lượng khách quốc tế đến và tổng thu từ khách quốc tế của các nước trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Đến năm 2017, mức tăng trưởng vẫn đạt 15% so với cùng kỳ, và tổng lượng khách Tây Âu đến Việt Nam 2017 đã là 1,5 triệu lượt khách, góp phần làm nên kỷ lục của du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên cán mốc 12,9 triệu lượt khách quốc tế.

Dù có nhiều cải thiện, nhưng Việt Nam lại là một trong những nước có chính sách visa khắt khe nhất, nếu so với nhiều nước trong khu vực.

Việt Nam hiện miễn visa du lịch cho công dân 24 nước, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước, Malaysia hiện đang miễn thị thực cho công dân 162 nước, tiếp sau là Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước, Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước... Các nước này cũng đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử.

Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho hay, giai đoạn 2 năm trước đó, khoảng 85% các nước đã áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.

Ngành du lịch ASEAN sẽ hưởng lợi từ hệ thống thị thực chung

Hệ thống thị thực chung được kỳ vọng sẽ khiến ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn, giúp ngành du lịch các nước ASEAN phát triển mạnh.

Du lịch hiện là một trong những nguồn thu quan trọng nhất của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm tới 12,3% GDP của khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể được hưởng đầy đủ các lợi ích kinh tế từ du lịch, các nước ASEAN cần có sự hợp tác hơn nữa để tạo ra sự di chuyển thuận tiện trong khối dành cho các du khách. Giải pháp đang được các nước trong khu vực tính tới, chính là thành lập một hệ thống thị thực du lịch chung.

“Don bay” du lich tu chinh sach mien thi thuc
 

Tương tự như mô hình của khu vực đi lại tự do Schengen tại châu Âu, hệ thống thị thực chung ASEAN sẽ cho phép những người được cấp có thể di chuyển một cách thuận tiện giữa các quốc gia thành viên trong khối. Điều này được sẽ khiến ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với khách du lịch, tận dụng tối đa lợi thế của mạng lưới hàng không giá rẻ trong khu vực.

Chị Harriet Jackson, khách du lịch, bày tỏ mong muốn: "Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn chỉ cần xin thị thực một lần là có thể đi bất cứ đâu trong khối ASEAN. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc".

Hệ thống thị thực chung được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch các nước ASEAN phát triển mạnh, qua đó tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ đói nghèo. Tuy nhiên, việc biến ý tưởng này trở thành hiện thực là chuyện không hề dễ dàng, bởi các nước ASEAN hiện vẫn đang có những sự khác biệt trong chính sách nhập cư, thị thực và cả những cách tiếp cận trong vấn đề an ninh, soi chiếu đối với du khách.

Ông Pongpanu Svetarundra, Thư ký thường trực Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, cho biết: "Cho tới nay, giới chức ngành an ninh vẫn đang phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên, đứng từ góc độ của ngành du lịch, chúng tôi nghĩ đó là điều cần thiết. Tôi thực sự hy vọng rằng trong vòng 2-3 năm tới, điều đó sẽ trở thành hiện thực".

Với dân số trên 600 triệu người và GDP 2,6 nghìn tỷ USD, ASEAN được đánh giá là một thị trường du lịch đầy tiềm năng, đặc biệt là khi lượng khách quốc tế đến ASEAN trong những năm gần đây ngày càng tăng. Tiềm năng đó sẽ được phát huy đầy đủ, nếu các quốc gia thành viên có thể cùng nhau gỡ bỏ những rào cản, tạo ra một môi trường thực sự thuận tiện cho các du khách.