Thứ Bảy | 06/10/2012 08:16

Dominic Scriven: Nhà đầu tư nước ngoài đang chờ thêm bằng chứng về giai đoạn 2 của đổi mới

Việt Nam đang đi vào giai đoạn 2 của cải cách, trong đó Chính phủ nhắm đến một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng ACB có 30% cổ phần do cổ đông nước ngoài nắm giữ. Trước những sự kiện đang diễn ra gần đây liên quan đến các cựu thành viên hội đồng quản trị ngân hàng ACB, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, quỹ nắm hơn 7% của ngân hàng này đã trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Dominic Scriven
Dominic Scriven
Dragon Capital đã thoái vốn khỏi ngân hàng Phương Nam, VPBank và Sacombank nhưng sẽ không thoái vốn tại ACB.

Quỹ của ông đầu tư vào ngân hàng ACB từ năm 1997. Vào thời điểm đó, tại sao ông chọn ACB, và thời gian qua ông đã đóng vai trò gì tại ngân hàng này?

Trong những năm cuối thập niên 90, ngành ngân hàng là khu vực nổi bật nhất trong khối doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi luôn ủng hộ doanh nghiệp tư nhân, và chính sách cũng như luật trong lĩnh vực ngân hàng luôn được mở ra sớm hơn so với những khu vực kinh doanh khác.

Về mặt quản trị và quy định pháp lý, ngân hàng là lĩnh vực được kiểm soát tốt hơn các khu vực khác. Mặc dù có những rủi ro mang tính chu kỳ kinh tế, ngân hàng luôn được coi là ngành kinh doanh dài hạn tốt nhất trong các nền kinh tế mới nổi. ACB đã, và đến nay, vẫn là một ngân hàng rất tốt.

Dragon Capital từng được coi là nhà đầu tư chiến lược. Trên thực tế gọi chúng tôi là nhà đầu tư tổ chức thì chính xác hơn. Chúng tôi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những tiêu chuẩn về quản trị tốt, việc đưa ra quyết định rõ ràng, sự sắp xếp chuẩn mực của những bên có quyền lợi liên quan.

Chúng tôi không làm được việc mà Standard Chartered làm, ví dụ như tham gia tư vấn trực tiếp vào các nghiệp vụ ngân hàng. Tôi ngồi trong Hội đồng quản trị của ACB cho đến tận tháng 3/2011. Vì Standard Chartered muốn có thêm chân trong hội đồng quản trị, mà tỷ lệ thành viên đại diện cho cổ đông nước ngoài trong ngân hàng không được quá 30%, cho nên Dragon Capital rút ra. Tôi cho rằng việc quy định đại diện nước ngoài trong hội đồng quản trị bị hạn chế trong tỷ lệ cổ phiếu đã trở nên không phù hợp nữa.

ACB giữ trạng thái dươngTheo số liệu thống kê của ACB, từ đầu tháng 9 đến nay bình quân huy động tiền gửi của ngân hàng tăng 200 tỷ đồng/ngày. Đây là con số "dương" giữa tiền gửi vào với tiền rút ra. Trước đó, từ đầu năm 2012 đến tháng 7.2012, con số dương chỉ ở mức 30 tỷ đồng/ngày.Theo giải thích của ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, mức tăng mạnh này có được là nhờ sự tín nhiệm và ủng hộ của khách hàng dành cho ACB.

Một loạt sự kiện gần đây đều liên quan đến ACB, trong đó có việc ông Nguyễn Đức Kiên, một thành viên sáng lập và ông Lý Xuân Hải, cựu tổng giám đốc bị bắt và bị khởi tố, tiếp sau đó là việc khởi tố bốn cựu thành viên của hội đồng quản trị của ACB, trong đó có ông Trần Xuân Giá. Ở góc độ một cổ đông lớn của ngân hàng, đánh giá của ông về vấn đề này thế nào?

Về mặt kỹ thuật, không có ai trong những nhân vật này còn liên quan gì đến việc điều hành ACB ở thời điểm này. Tôi cho rằng ngân hàng Nhà nước đã khá rõ ràng trong việc phân biệt rằng ngân hàng ACB thì khác với các cá nhân trên. Những sự kiện đang nói đến ở đây không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi với ngân hàng ACB. Có thời điểm chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng. Thời gian qua chúng tôi đã thoái vốn khỏi ngân hàng Phương Nam, VP Bank và Sacombank.

Nhưng chúng tôi không có kế hoạch thoái vốn khỏi ACB. Chúng tôi thích ngân hàng này. Họ có một thị phần quan trọng, khoảng 7 – 8% thị trường tiền gửi, đây là một nguồn giá trị lớn. Rõ ràng ACB không khỏi bị ảnh hưởng bởi sự kiện trên, một số người đã rút tiền ra nhưng một số đã trở lại. Tôi nghĩ rằng những người có quyền lợi liên quan như nhân viên, cổ đông, cũng như người gửi tiền… nhìn nhận ACB như một tổ chức, thay vì là một nhóm người.

Điều gì khiến ACB khác biệt với những ngân hàng khác?

Theo tôi, điều đặc biệt nhất là họ khá bảo thủ trong hoạt động kinh doanh. Tôi biết rằng ngân hàng này không bao giờ cho vay hết số tiền họ huy động, trên thực tế họ rất thận trọng và tỷ lệ cho vay thường chỉ là 50% trên tỷ lệ tiền gửi. Có một số ngân hàng thậm chí cho vay trên 100%. Ngoài ra họ có cổ đông tốt. Standard Chartered là một ngân hàng rất lành mạnh và một trong số ít ngân hàng đã hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Vậy điều gì đã đẩy đến những sự kiện gần đây?

Tôi thật lòng phải nói rằng tôi không biết. Điều chúng tôi biết được là một số cá nhân đã bị đề nghị hợp tác với cơ quan điều tra về một số tội phạm cụ thể. Cuộc điều tra chưa hoàn thành. Vào thời điểm một số người bị bắt, thì không vụ nào liên quan trực tiếp đến ngân hàng. Đến nay lại thêm việc khởi tố thêm một số người. Những thông tin hiện có không đủ để hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Một trong những mối quan tâm lớn liên quan đến ACB hiện nay là đội ngũ lãnh đạo ngân hàng. Hội đồng quản trị đang thiếu thành viên, và ông Trần Hùng Huy, một người khá trẻ tuổi, đang ngồi ghế chủ tịch. Ông muốn thấy ai là người đứng đầu ngân hàng lúc này? Liệu ông Trần Mộng Hùng có nên trở lại vị trí này?

Theo tôi hiểu ACB đang lập kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xem xét một số vấn đề của ngân hàng, trong đó có vấn đề lãnh đạo. Tôi nghĩ là cần phải có sự thay đổi cho phép hội đồng quản trị bao gồm cả những người không phải là cổ đông mà cả những thành viên độc lập, không trực tiếp điều hành (non-executive). Ông Huy không phải thành viên trẻ tuổi duy nhất nắm vị trí cao trong ngân hàng. Ông Trần Mộng Hùng luôn được xem như một nhà lãnh đạo ngân hàng có kinh nghiệm, và ông ấy cũng có nhiều quyền lợi trong ngân hàng. Tôi cho là thị trường sẽ coi việc ấy như một tín hiệu tốt.

Chứng khoán Việt Nam đang rẻ, PE ở mức 8 lần, lãi suất trái phiếu 10%

Ông là một trong những nhà đầu tư lâu năm trên thị trường Việt Nam. Đánh giá của ông về thị trường Việt Nam trong thời điểm này thế nào?

Nhà đầu tư ở khắp mọi nơi trên thế giới trong thời điểm này đều lo lắng vì họ không biết kinh tế đang đối mặt với lạm phát hay giảm phát. Thế giới có quá nhiều nợ và quá ít tăng trưởng. Trong bối cảnh ấy thì ở Việt Nam mức nợ vẫn còn thấp và vẫn có tăng trưởng, có tỷ lệ dân số (demographic) tốt, có tính cạnh tranh… Việt Nam có một số khác biệt tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư ở Việt Nam đã trải qua vài năm trầy trụa. Một số nhà đầu tư đang muốn đầu hàng, muốn biến luôn. Nhưng, luôn có những người mang quan điểm như Warren Buffett, cho rằng “cần phải sợ khi người ta tham, và cần phải tham khi người ta sợ”.

Trong vòng hai năm qua, đã có một sự tập trung thực sự vào việc thiết lập sự ổn định vĩ mô, trong đó có chỉ số lạm phát và tỷ giá. Đó có thể coi là giai đoạn 1 của đổi mới và đó là giai đoạn khó khăn. Gần đây có thể nói là Việt Nam đang đi vào giai đoạn 2 của cải cách, trong đó Chính phủ đang nhắm đến một số lĩnh vực cụ thể, như đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc cắt giảm các tập đoàn kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng.

Tôi tin rằng chúng ta đang đi sâu vào việc thực hiện những chương trình này. Mục đích của những chương trình này là gì? Có vẻ như cuộc tranh luận không thuần tuý là kinh tế, nhưng có lẽ là một cuộc tranh luận cần thiết. Trong khi cuộc tranh luận ấy còn đang diễn ra, thật khó có thể biết được điều gì đang xảy ra.

Trên thị trường tài chính, xét về mặt định giá thì Việt Nam đang khá rẻ với tỷ lệ PE trung bình của thị trường là 8 lần, và lãi suất trái phiếu ở mức 10% là mức giá rất hấp dẫn.

Giá rẻ – tại sao nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư?

Bởi lẽ họ vẫn đang chờ thêm bằng chứng về giai đoạn 2 của đổi mới. Nỗ lực về mặt vĩ mô là rất rõ rệt, mục tiêu là ổn định và kiềm chế lạm phát, và Chính phủ chưa bỏ cuộc. Cho đến khi lạm phát chưa được kiềm chế thì lãi suất vẫn sẽ còn cao và như vậy nhà đầu tư sẽ còn ngần ngại.

Theo ông, tâm trạng của nhà đầu tư đang như thế nào?

Tuần trước chúng tôi tiếp 20 nhà đầu tư nước ngoài đến đây tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Tôi có thể nói, nhìn chung là họ vẫn lạc quan. Họ có thể hiểu điều gì đang xảy ra… Những người lạc quan là những người có nhiều tóc bạc hơn… Những người trẻ thì bối rối, vì trường kinh doanh không dạy họ về thực tế cuộc đời. Vấn đề khó ở chỗ rất ít người đưa ra quyết định vào thời điểm này.

Về đầu tư tại Việt Nam của Dragon CapitalĐược thành lập năm 1994, Dragon Capital là một trong những định chế đầu tư tài chính nước ngoài tiên phong tại thị trường Việt Nam. Hiện công ty đang quản lý một nhóm danh mục đầu tư với tổng giá trị tài sản khoảng 1 tỷ USD.Quỹ hiện đang nắm giữ cổ phần trong một số công ty bluechip trên thị trường như Vinamilk, Masan Group, ngân hàng ACB, Hoàng Anh Gia Lai, công ty Cơ điện lạnh REE, công ty Phân bón và hoá chất dầu khí, công ty chứng khoán SSI, FPT, tập đoàn Hoà Phát…Ngoài ra công ty còn đầu tư và tham gia điều hành tại hai công ty, Vietnam Investment Fund Management JSC (VFM) và công ty chứng khoán TP.HCM (HSC).


Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị


Sự kiện