Domesco sắp về với Abbott?
Đã có thêm cơ sở để nhà đầu tư tin rằng, mối nhân duyên giữa Domesco và Abbott sẽ càng thêm thắm thiết. Mới đây, công ty dược lớn thứ 3 của Việt Nam cho biết đã hoàn tất thủ tục để chính thức mở toang cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngay sau khi Domesco mở room 100%, Abbott, thông qua công ty con CFR International SPA (Chile) đã lập tức đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu DMC. Nếu thành công, Abbott sẽ nâng mức sở hữu ở Domesco lên 51,7% vốn điều lệ và biến doanh nghiệp này trở thành công ty con của mình.
Khả năng Domesco về một nhà với Abbott là rất cao. Bởi hiện tại, riêng các thành viên trong nội bộ Domesco đã đăng ký bán ra gần 750.000 cổ phiếu. Nhìn vào lịch sử giao dịch, trong tháng 9 này, từng có phiên, giao dịch thỏa thuận đạt gần 1 triệu cổ phiếu.
CFR đã trở thành cổ đông chiến lược tại Domesco từ năm 2011, nhưng ảnh hưởng của CFR lên công ty này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2014. Đây cũng là thời điểm Abbott hoàn tất thương vụ mua lại CFR Pharmaceuticals (công ty mẹ của CFR International SPA), qua đó gián tiếp sở hữu cổ phần tại Domesco. CFR đã lần lượt đưa người vào ban quản trị Công ty. Hiện tại, 3 trong 6 thành viên Hội đồng Quản trị ở Domesco thuộc CFR. Trong đó, bà Lương Thị Hương Giang vừa là Giám đốc CFR Việt Nam vừa giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng Quản trị Domesco.
CFR cũng can thiệp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của Domesco. Nhờ đó, quý III/2014, Domesco đã xuất hàng sang thị trường Peru, Venezuela và ghi nhận những khoản doanh thu đầu tiên. Việc mở rộng thị trường sang cả châu Mỹ Latinh đã giúp Domesco vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu trong số các doanh nghiệp dược Việt Nam.
Với sự hiện diện của CFR, Domesco cũng đã có những chuyển hướng trong sản xuất. Năm 2015, hàng tự sản xuất đã chiếm 82,4% doanh thu. Ngoài ra, Công ty còn tập trung vào thuốc đặc trị thay vì dòng thuốc phổ thông. Hiện nhóm tiểu đường, nội tiết và tim mạch chiếm hơn một nửa doanh thu. Lợi thế của Domesco còn nằm ở chỗ các sản phẩm này có giá thấp hơn 30-40% so với thuốc nhập khẩu. Nhờ đó, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của Công ty luôn đạt được và tỉ suất lợi nhuận cũng liên tục được cải thiện. Biên lợi nhuận gộp của Domesco từ mức 25,5% (2013) đã tăng lên 28,6% (2014), 33% (2015) và đạt 37,5% trong 6 tháng đầu năm nay.
Domesco tăng trưởng lợi nhuận cao còn nhờ kiểm soát tốt chi phí. Đây là doanh nghiệp hiếm hoi không trả chi phí lãi vay. Các chi phí như chi phí quản lý, chi phí bán hàng... của Domesco cũng thấp hơn mức trung bình ngành.
Abbott đã nhìn thấy cơ hội từ chi tiêu cho sức khỏe tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ảnh: bizjournals.com |
Tuy nhiên, tái cơ cấu sản phẩm, kiểm soát chi phí mới chỉ tạo động lực tăng trưởng trước mắt. Trong dài hạn, Công ty vẫn cần khắc phục nhược điểm lớn nhất của mình, đó là năng lực sản xuất. Hiện tại, dù có tới 3 nhà máy và sản lượng sản xuất luôn trong tốp 3 của ngành, nhưng Domesco cũng thường xuyên trong tình trạng quá tải. Vì thế, đầu tư nhà máy mới được xem là hướng tháo gỡ khó khăn cho Domesco. Đây cũng là bước thúc đẩy tăng trưởng nội địa lẫn xuất khẩu và cho phép Công ty tăng giá bán nhờ chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Theo ước tính, chênh lệch giá thuốc giữa chuẩn GMP-WHO với GMP-EU hay PIC/S có thể lên đến hơn 20%. Mặt khác, với tiêu chuẩn chất lượng cao này, thuốc của Domesco có cơ hội trúng thầu cao hơn tại hệ điều trị ETC (thuốc bán theo toa, phải đấu thầu ở các phòng khám, bệnh viện). Đây là kênh bán hàng cho biên lợi nhuận cao hơn so với kênh OTC (bán thuốc cho các nhà thuốc, thuốc không toa). Vì thế, nếu Domesco thay đổi được tỉ trọng giữa hai phân khúc này (hiện OTC chiếm 71%, ETC chiếm 29% doanh thu), giới phân tích tin rằng lợi nhuận của Domesco sẽ còn khả quan hơn.
Nhà máy Non-Betalactam, với các tiêu chuẩn GMP-EU, PIC/S của Domesco dự kiến sẽ khởi công trong năm 2016 và đưa vào hoạt động từ năm 2017-2018. Đây là nhà máy có vốn đầu tư khoảng 250-300 tỉ đồng, với công suất thiết kế gấp khoảng 3 lần công suất hiện tại. Nếu chỉ mình Domesco đứng ra triển khai, sẽ khó lòng đảm bảo. Nhưng Abbott đã cam kết hậu thuẫn cho Domesco. Có sự hỗ trợ từ Abbott, con đường hoàn tất đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy mới của Domesco có thể diễn ra như ý. Nhà máy mới của Domesco còn có thể đạt chứng nhận FDA-US trong lần xét duyệt đầu tiên nhờ kinh nghiệm của một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới.
Abbott sẽ thể hiện vai trò tích cực tại Domesco khi Tập đoàn lên nắm quyền chi phối. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa Domesco sẽ trở thành công ty nước ngoài và buộc phải có những thay đổi trong ngành nghề kinh doanh. Một trong những thay đổi bắt buộc là Domesco phải bỏ mảng phân phối. Nếu thế, hiệu quả kinh doanh của Công ty sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Bù lại, Domesco có thể kinh doanh những sản phẩm thuốc từ Abbott và CFR cũng như tiếp cận những công thức thuốc đặc trị chưa được sản xuất ở Việt Nam.
Chỉ có một nỗi lo ngại là Abbott vừa tuyên bố mua lại Glomed, một trong những công ty sản xuất dược hàng đầu, sở hữu 2 nhà máy trị giá 18 triệu USD tại Việt Nam. Abbott đã tự mua thêm nhà máy mới tại Việt Nam trong khi kế hoạch mở rộng nhà máy Non-Betalactam của Domesco vẫn chưa tiến triển gì thêm. Vì thế, Công ty Chứng khoán HSC đặt nghi ngại về cam kết của Abbott trong những khoản đầu tư tiếp theo tại Domesco.
Nghi ngờ này đã ít nhiều được xóa bỏ khi Abbott thể hiện quyết tâm gia tăng sở hữu ở Domesco. Ngoài ra, với những tác động để Domesco mở thêm ngành mới là kho bãi và lưu giữ hàng hóa cũng như lập nhà máy chiết xuất dược liệu, Abbott không có vẻ gì sẽ lơi lỏng mục tiêu khi đầu tư vào Domesco.
Một khi nắm giữ cổ phần chi phối ở Domesco và mua lại Glomed, Abbott có thể sẽ thực hiện chiến lược tấn công mạnh mẽ vào thị trường sản xuất thuốc generic tại Việt Nam. Abbott đã nhìn thấy cơ hội từ chi tiêu cho sức khỏe tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6% GDP và đang tiếp tục gia tăng. Tập đoàn này đặt mục tiêu, tăng trưởng đến năm 2019 tại các thị trường mới nổi của Abbott sẽ là 4,6%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng ở các nước phát triển.
Ngọc Thủy