Ảnh: Quý Hòa
Đội tàu biển giảm mạnh
Theo thống kê của Hội nghị Liên hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Mặc dù lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng tốt nhưng ngành vận tải biển của Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn do đội tàu biển giảm. Cụ thể, năm 2018, đội tàu biển Việt Nam có hơn 1.600 tàu, nhưng thời điểm hiện tại đã giảm xuống còn 1.568 tàu, với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Trước đó, năm 2015, đội tàu chở hàng của Việt Nam có 1.849 chiếc, chưa kể 38 chiếc mang quốc tịch nước ngoài nhưng thuộc sở hữu của các công ty Việt Nam.
“Đây là con số đáng lo ngại vì khi đội tàu suy giảm mạnh, mục tiêu đáp ứng vận chuyển 100% sản lượng vận tải hàng hóa nội địa sẽ khó đạt được như kỳ vọng”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nhận định.
Tuy nhiên, những khó khăn của các hãng tàu biển khiến nguy cơ này không dễ giải quyết. Từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới (2008) đến nay, trải qua 11 năm, vận tải biển thế giới và Việt Nam vẫn ở giai đoạn khủng hoảng, cung lớn hơn cầu.
Các công ty vận tải biển đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2019 khá tiêu cực. Nhiều công ty bán trụ sở, bán tàu để xử lý nợ tồn đọng. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỉ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỉ đồng, đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỉ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên đến 1.780,7 tỉ đồng trong khi nguồn vốn của Công ty chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng... Thậm chí, trước tình hình này, Thủ tướng đã phải giao 3 bộ gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tìm cách “giải cứu”.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), thừa nhận, quý I/2019 là khoảng thời gian khó khăn của các chủ tàu Việt Nam. Khi các tàu lớn đưa vào khai thác trên tuyến Nội Á sẽ khiến các hãng tàu feeder nhỏ đối mặt nguy cơ bị thôn tính hoặc sáp nhập. Đánh giá về thị trường vận tải biển những tháng tiếp theo của năm 2019, lãnh đạo cho biết, hầu hết báo cáo và dự đoán của các hãng tư vấn đều cho rằng do kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2019-2020 nên khối lượng container vận chuyển trên tuyến Nội Á sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Soren Skou, Giám đốc Điều hành Tập đoàn A.P. Moller-Maersk AS, nhà khai thác vận chuyển container lớn nhất thế giới tính theo sức chở, cho biết: “Chúng tôi thấy rõ tăng trưởng kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm. Nếu như tăng trưởng chung trong năm 2018 là từ 3,7-3,8% thì năm 2019 tăng trưởng chỉ còn khoảng 1-3%”.
Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam đang đảm nhận vận chuyển khoảng 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu. Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đội tàu Việt Nam chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đề án tái cơ cấu vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, vận tải biển Việt Nam sẽ phải đảm nhận thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên đến 25-30%.
Trong khi doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang gặp khó do lượng hàng hóa không tăng thì vẫn phải cạnh tranh ngày một gay gắt với các hãng tàu quốc tế. Chở gạo tuy có giá cước cao nhưng việc chờ cầu cảng, chờ làm hàng tại cảng dỡ, xếp dỡ chậm, dễ hư hỏng, mất mát hàng hóa luôn là vấn đề lớn đối với các chủ tàu. Hàng thiết bị, sắt thép có vẻ không còn nhiều nhất là khi các loại hàng từ Đông Bắc Á về Việt Nam vận chuyển bằng hàng rời hầu hết rơi vào tay các tàu Trung Quốc...
Ông Bùi Việt Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tàu biển Việt Nam, nhắc đến nghịch lý đội tàu Việt Nam lại đang thua trên sân nhà khi phần lớn khối lượng hàng hóa lớn thuộc về đội tàu nước ngoài. Điển hình nhất là việc vận chuyển than. Mỗi năm các đơn vị như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vận chuyển mấy chục triệu tấn than nhưng chủ yếu đều do các hãng tàu nước ngoài thực hiện.
Đại diện Vinalines cho biết, trong bối cảnh thị trường vận tải biển còn chông chênh, Tổng Công ty sẽ tiếp tục thanh lý các tàu già, tình trạng kỹ thuật kém, chi phí sửa chữa lớn để cắt lỗ, cải thiện kết quả kinh doanh. Dự kiến, giai đoạn 2019-2020, số tàu thanh lý, chuyển giao là 23 tàu với tổng trọng tải khoảng 500.000 tấn. Mặc dù vậy, xoay xở để có nguồn tài chính đầu tư cho đội tàu công nghệ mới hiện đại hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là bài toán khó cho nhiều hãng tàu.