Thứ Bảy | 07/09/2013 08:37

Đổi quốc gia thay thế, thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ tăng tới hơn 100 lần

DOC 2 năm liên tiếp dùng Indonesia làm quốc gia thay thế dẫn tới tăng mức thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam lên cao ngất ngưởng.
Mức thuế mang tính trừng phạt
Đầu tháng 3/2013, trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) thuế chống bán phá giá phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đột ngột thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh (đã 8 năm liên tiếp) sang Indonesia. Từ đó đã làm tăng mức thuế chống bán phá giálên cao gấp 25 đến 45 lần so với kỳ POR7. Các doanh nghiệp đã phải kiện vấn đề này ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ.

3 tháng sau, DOC lại công bố tăng thêm mức thuế POR8 0,5 USD/kg với lý do đã tính sai trong tính toán. Đến ngày 5/9 vừa qua, trong kết quả sơ bộ kỳ POR9 (giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012), DOC lại tiếp tục tăng thêm mức thuế chống bán phá giá cá tra lên hơn gấp 2 lần POR8. Như vậy, riêng thuế đánh vào sản phẩm cá tra của công ty Hùng Vương đã tăng hơn 100 lần sau 2 lần rà soát, thuế đối với các công ty khác cũng tăng mạnh vài chục lần.

Trong khi đó, Indonesia không có trong danh sách các nước thay thế mà trước đó DOC đã công bố và phía các doanh nghiệp Việt Nam bất bình do điều kiện nuôi cá tra ở Indonesia không tương đồng với Việt Nam. Indonesia nuôi cá tra nhỏ lẻ, hàng năm sản xuất chỉ được khoảng 50.000 - 100.000 tấn, trong khi Việt Nam tới 1.200.000 - 1.400.000 tấn/năm. Thêm vào nữa, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới.

Với những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng kết quả POR8 và POR9 mang tính trừng phạt hơn là công bằng. Bởi các quyết định này của DOC đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội Các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) muốn đánh vào các doanh nghiệp của Việt Nam để giành lại thị phần do suốt 10 năm qua, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ liên tục tăng trưởng. Đến nay, Mỹ đã là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 230 triệu USD 7 tháng đầu năm 2013, chiếm hơn 23% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong khi đó, diện tích nuôi cá da trơn ở Mỹ đã giảm một nửa, từ khoảng 67.000 ha mặt nước năm 2003 xuống còn hơn 33.000 ha hiện nay.

"Quyết định mang tính trừng phạt này của DOC khiến nhiều người nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét cũng như sự công tư của DOC. Nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương Việt - Mỹ", Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe khẳng định.

Nông dân vẫn chịu thiệt

Với một mức thuế tăng chóng mặt như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ cầm chắc lỗ, bởi họ không thể tăng giá bán cao tương ứng. Ông Nguyễn Văn Phấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay công ty hầu như giảm hẳn xuất khẩu qua thị trường Mỹ và đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông, EU.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng đây chính là hậu quả của một quá trình phát triển quá nóng, mất kiểm soát của ngành cá tra Việt Nam. "Ngành này phát triển ồ ạt, rồi doanh nghiệp tranh mua tranh bán phá giá lẫn nhau, tạo thêm điều kiện để phía Mỹ có cớ đánh thuế cao lên mình" - ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang phân tích. Ông dẫn chứng, giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ từ năm 2012 đến nay liên tục giảm, hiện còn có trên dưới 3 USD/kg trong khi năm 2012 là từ 3,6 - 3,8 USD/kg.

Điều này khiến người nông dân chịu thiệt nhiều nhất. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An, Cần Thơ nhận định các doanh nghiệp trước đây đã doanh nghiệp đã từ bỏ lợi thế độc quyền về con cá tra trên thị trường thế giới để chạy theo cái lợi nhuận nhất thời. Đến khi người ta áp thuế chống bán phá giá thì quay lại o ép, mua cá rẻ của nông dân. Ông cho rằng nếu các doanh nghiệp sáng suốt hơn từ 10 năm trước khi Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá, có chiến lược phát triển, quy hoạch, kiểm soát lại ngành, gia tăng xuất khẩu sản phẩm có giá trị cao thì sẽ không có hậu quả như hiện nay.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện