Đối phó với kiện chống bán phá giá
Luật thương mại quốc tế đòi hỏi các cơ quan điều tra chống bán phá giá của nước nhập khẩu phải chứng minh ba yếu tố, bao gồm: (i) sự tồn tại của hàng nhập khẩu bán phá giá; (ii) thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu; và (iii) mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại đáng kể đó.
Nếu thiếu một trong ba yếu tố nêu trên thì mọi thủ tục điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá phải ngay lập tức chấm dứt và thuế chống bán phá giá phải được tháo bỏ. Trong các yếu tố này, việc điều tra hai yếu tố đầu mang tính chất quyết định nhưng cũng khá ký thuật. Chúng tôi xin giới thiệu các vấn đề pháp lý và thực tiễn pháp lý mà DN xuất khẩu phải nắm rõ khi tham gia vào thủ tục chống bán phá giá ở nước ngoài.
Xác định thiệt hại
Theo quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, hàng NK bán phá giá chỉ có thể là đối tượng của các biện pháp chống bán phá giá khi nó gây tác hại tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước của nước NK. Cụ thể, nước NK phải chứng minh được hàng NK bán phá giá gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất nội địa, làm chậm trễ sự thành lập một ngành sản xuất trong nước. Điều VI.1 GATT
Khái niệm “thiệt hại đáng kể”, tuy vậy, không được định nghĩa rõ ràng trong các quy định của WTO. Cơ quan phúc thẩm của WTO trong vụ kiện US-Lamb Safeguards đã cố gắng làm rõ vấn đề này bằng một giải thích cũng khá mơ hồ rằng “thiệt hại đáng kể” là mức thiệt hại thấp hơn mức “thiệt hại nghiệm trọng” của biện pháp tự vệ thương mại. AB Report, US-Lamb Safeguard, đoạn 124. Cơ quan phúc thẩm cho rằng tiêu chuẩn về mức độ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của biện pháp chống bán phá giá phải thấp hơn so với tiêu chuẩn về mức độ thiệt hại trong tự vệ vì CBPG được áp dụng để khắc phục hành vi “thương mại lành mạnh”, trong khi tự vệ được áp dụng trong trường hợp “thương mại lành mạnh”. AB Report, Argentina – Footwear Safeguards, đoạn 94. Nhìn chung để xác định thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, cơ quan điều tra CBPG sẽ phải chứng minh được hai khía cạnh: (a) khối lượng hàng hóa NK được bán phá giá và ảnh hưởng của hàng hóa được bán phá giá đến giá trên thị trường nội địa của các sản phẩm tương tự và (b) hậu quả của việc nhập khẩu này đối với các nhà sản xuất các sản phẩm trên ở trong nước. Điều 3.1 ADA
Đối với khối lượng hàng hóa NK bán phá giá, việc xác định phải được tiến hành trên cơ sở điều tra xem có sự gia tăng đáng kể của hàng NK. Sự gia tăng này có thể tuyệt đối hoặc tương đối. Về tác động của hàng NK được bán phá giá đối với giá trên thị trường, cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh giá bán của hàng NK bị điều tra đã được giảm đáng kể so với giá của sản phẩm tương tự tại nước NK, hoặc hàng NK đã ghìm giá ở mức đáng kể hoặc ngăn không cho giá tăng đáng kể. Thông thường mức giá bán của hàng NK sẽ được tính trên cơ sở giá giao dịch của từng DN, vì vậy trong quá trình điều tra chống bán phá giá, có thể sẽ có một số DN có hàng hóa bị điều sẽ không bị coi là bán phá giá.
Việc điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ phải bị đình chỉ ngay lập tức trong trường hợp cơ quan điều tra chống bán phá giá xác định rằng biên độ bán phá giá không quá mức tối thiểu – dưới 2%; hoặc trong trường hợp khối lượng hàng NK được bán phá giá hoặc tổn hại tiềm ẩn hoặc tổn hại thực tế không đáng kể – dưới 3% tổng khối lượng hàng NK của tất cả các nước vào thị trường NK. Điều 5.8 ADA
Tính thiệt hại gộp
Trong nhiều trường hợp cơ quan điều tra chống bán phá giá của nước NK có thể cùng lúc điều tra hàng hóa NK của nhiều quốc gia và như vậy họ sẽ phải đánh giá thiệt hại gộp của các hàng hóa bị điều tra.
Theo quy định của Điều 3.3 ADA, nước NK có thể đánh giá ảnh hưởng một cách tổng hợp theo các điều kiện sau: (a) biên độ bán phá giá được xác định đối với hàng NK từ mỗi nước phải trên mức tối thiểu 2%; (b) việc đánh giá gộp các ảnh hưởng của hàng NK là thích hợp nếu xét đến điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm NK với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa các sản phẩm NK và sản phẩm tương tự trong nước. Ngoài ra, nếu khối lượng hàng NK được bán phá giá từ một nước cụ thể nào đó chiếm ít hơn 3% tổng khối lượng NK các sản phẩm tương tự vào NK quốc gia, nhưng nếu cộng gộp lại tất cả khối lượng hàng hóa của các nước đó chiếm trên 7% tổng khối lượng NK sản phẩm tương tự thì nước NK vẫn sẽ có quyền điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của các nước đó.
Các yếu tố sẽ được cân nhắc khi điều tra xác định thiệt hại
Trong thực tiễn thương mại quốc tế, cơ quan điều tra sẽ phải đánh giá thiệt hại của hàng hóa NK dựa trên nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến tình trạng của ngành sản xuất nội địa như: mức suy giảm thực tế và tiềm ẩn của doanh số, lợi nhuận, sản lượng, thị phần, năng suất, tỉ lệ lãi đối với đầu tư… Cơ quan phúc thẩm của WTO trong vụ kiện EC-Bed Linen và Thailand-H-beams đã khẳng định các cơ quan điều tra CBPG có thể xem xét nhiều yếu tố khác nhưng những yếu tố nêu trên phải luôn được phân tích kỹ lưỡng trong một tổng thể khi điều tra xác định mức độ thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. AB Report, EC- Bed Linen, đoạn 168; Thaland- H-beam, đoạn 128.
Trong khi đó, việc xác định sự đe doạ gây thiệt hại đáng kể sẽ phải được tiến hành dựa trên các chứng cứ thực tế và không được phép chỉ căn cứ vào phỏng đoán, suy diễn hoặc một khả năng mơ hồ. Cơ quan điều tra chống bán phá giá sẽ phải chứng minh nguy cơ gây thiệt hại của hàng NK bán phá giá phải trong phạm vi có thể dự đoán được một cách chắc chắn và sẽ diễn ra trong tương lai gần. Khi quyết định xem có tồn tại nguy cơ gây tổn hại vật chất hay không, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành xem xét các yếu sau:
(i) tỉ lệ gia tăng đáng kể hàng NK và dấu hiệu cho thấy rất có khả năng hàng NK sẽ tiếp tục gia tăng ở mức lớn trong tương lai;
(ii) năng lực sản xuất doanh nghiệp XK đủ lớn hoặc có sự gia tăng đáng kể trong tương lai gần qua đó sẽ làm gia tăng đáng kể khối lượng hàng xuất khẩu được bán phá giá vào nước NK (sau khi đã tính đến khả năng các thị trường xuất khẩu khác có thể tiêu thụ thêm được một lượng xuất khẩu nhất định);
(iii) hàng nhập khẩu được nhập với mức giá có tác động làm giảm hoặc kìm hãm đáng kể giá trong nước và có thể làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu; và
(iv) số thực tồn kho của sản phẩm bị điều tra.
Ngành công nghiệp nội địa
Một vấn đề cũng rất quan trong cần được lưu ý trong thủ tục điều tra chống bán phá giá là xác định phạm vi của ngành sản xuất nội địa. Yếu tố này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả đánh giá tác động của hàng NK bán phá giá đối với các DN trong ngành. Thông thường “ngành sản xuất trong nước” là tập hợp các nhà sản xuất trong nước sản xuất các sản phẩm tương tự như những hàng hóa NK bị điều tra. Tuy nhiên, nếu DN nội địa cũng là nhà NK các hàng hóa bị điều tra hoặc có liên quan tới DN nước ngoài thì thực chất họ có thể sẽ không chấp nhận là bị thiệt hại hoặc việc đánh giá thiệt hại sẽ không chính xác.
Về vấn đề này WTO đã quy định, sẽ phải loại trừ các DN có quan hệ với DN xuất khẩu hoặc nhà NK (VD: một trong số họ bị bên kia kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc cả hai bị một người thứ ba kiểm soát hoặc họ cùng nhau kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp một người thứ ba); hoặc chính họ là người nhập khẩu hàng hóa đang bị điều tra CBPG khỏi phạm vi tính toán của ngành sản xuất nội địa.
Bên cạnh đó, pháp luật chống bán phá giá cũng quy định một trường hợp đặc biệt khi thị trường của nước NK bị phân chia thành hai hay nhiều thị trường cạnh tranh nhau và các nhà sản xuất tại mỗi thị trường có thể được coi là ngành sản xuất độc lập. Trong trường hợp này thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa sẽ được tính chỉ trong phạm vi thị trường liên quan (ngay cả khi phần lớn ngành sản xuất ở các thị trường khác hoặc tính trên toàn quốc ngành sản xuất không bị tổn hại). Nhưng trong trường hợp này cơ quan điều tra phải chứng minh sự tập trung nhập khẩu hàng được bán phá giá vào thị trường biệt lập đó.
Như vậy, khi “ngành sản xuất nội địa” được hiểu là các nhà sản xuất tại một khu vực thì thuế chống bán phá giá sẽ chỉ được đánh vào các sản phẩm NK được dành riêng để tiêu thụ tại thị trường đó. Việc xác định phạm vi của ngành sản xuất nội địa phải được cơ quan điều tra chống bán phá giá xác định ngay khi tiến hành điều tra chống bán phá giá.
Nguồn DDDN