Quang cảnh Chương trình Leader Talk 3
Cạnh tranh ngày càng quyết liệt
Ngày 11/1/2014, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, số 144 Xuân Thủy đã diễn ra chương trình Leader Talk 3 dưới sự tổ chức và điều hành của Vietnam New Media Group (VNMG) cùng sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG) và Alphabooks.
Chương trình đã thu hút hàng trăm sinh viên, các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, các chủ DN đến tham dự.
Tại sự kiện này, các khách mời: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI), đã chia sẻ những nhận định sâu sắc về bức tranh kinh tế thế giới cũng trong nước, đặc biệt là những thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được đánh giá là Hiệp định mẫu mực của thế kỷ XXI, việc gia nhập TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cho Việt Nam những bước hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế thế giới. Tại “sân chơi” này, sẽ có những cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam ở những ngành nghề, lĩnh vực vốn có thế mạnh lớn như nông sản, hàng chế biến… cũng như có cơ hội hợp tác và học hỏi từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cùng với những thời cơ lớn, Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức không nhỏ. Những yêu cầu cao hơn, sự minh bạch lớn hơn sẽ đòi hỏi sự thay đổi của nước ta về thể chế, hành chính, dân chủ và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ, dược phẩm, lao động trẻ em, tổ chức công đoàn… Đặc biệt, nguy cơ bị “kiện”, nếu các tiêu chuẩn, yêu cầu không được đáp ứng đầy đủ là rất hiện hữu.
Trong bối cảnh có đến gần 61.000 DN giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013, các khách mời nhận định, vấn đề không hoàn toàn do tác động của khủng hoảng, khó khăn kinh tế bên ngoài mà còn cho thấy những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Do đó bên cạnh việc củng cố ổn định KTVM, cải thiện môi trường kinh doanh vốn là mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ của Chính phủ và bộ, ngành liên quan, thì các DN phải tự xây dựng được “phao cứu sinh” cho chính mình thông qua những thay đổi, cải cách sáng tạo và khả thi của mình.
Hướng đi cho người khởi nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Phạm Chi Lan, để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, các chủ DN trẻ phải tránh xa cách kinh doanh chộp giật, chạy theo phong trào có thể thu được lợi ích trước mắt song cũng rất dễ thất bại trước những thay đổi của thị trường. Đây cũng là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa khi ông cho rằng, phần lớn các DN thất bại trong năm 2013 vừa qua là các DN thiếu vốn lưu động và không chịu bỏ chi phí đổi mới do ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật này.
Thay vào đó, các DN phải chấp nhận trải qua thử thách, chủ động tiếp cận phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và đổi mới công nghệ, để tự mình tìm ra con đường phát triển. Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: “Sáng tạo, đổi mới là chìa khóa để cạnh tranh thành công”.
Với những ai có dự định khởi nghiệp hoặc đang là các DN “tân binh” trong cuộc chiến trên thương trường, ông cũng đưa ra một lời khuyên là cần phát huy tư tưởng chiến lược của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.
“Các DN phải tập trung điều tra kỹ lưỡng thị trường, công nghệ, nguồn lao động, tích lũy kinh nghiệm từ các bài học nhỏ để dần vững mạnh và quan trọng nhất là không được e ngại, sợ hãi trước các khó khăn”- TS. Doanh nói.
Cùng chia sẻ quan điểm trên nhưng TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh đến tính chủ động của mỗi DN. Theo đó, các DN cần chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường thay vì trông mong sự giúp đỡ hay những thay đổi của công cuộc cải cách thể chế - vốn cần thời gian để xảy ra. Tâm lý “chờ sung rụng”, thiếu năng động sẽ đẩy DN vào tình trạnh bị cạnh tranh quyết liệt và nguy cơ thất bại là rất lớn. Thay vào đó, cần có sự sáng tạo tự thân về khoa học công nghệ, về phương thức và xu thế kinh doanh mới, về ý thức học hỏi và vươn lên… mới giúp cho DN phát triển thành công.