Đây là bài toán hóc búa cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam để có được một kịch bản kinh tế đẹp trong năm tới.
Đối mặt với “Mùa đông kinh tế” 2023
Trong Hội nghị bàn về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô do Chính phủ vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận: “Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 ngày càng gia tăng. Tăng trưởng GDP quý IV/2022 và năm 2023 khả năng cũng sẽ khó khăn hơn”.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro bên trong và cả bên ngoài như chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng, kinh tế phục hồi chậm tại nhiều nền kinh tế châu Âu và Mỹ, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu... Vì thế, dù dự báo tăng trưởng 7,5% năm 2022 của Việt Nam có thể đạt được nhưng khó khăn đang chờ đợi ở phía trước khi năm 2023 được cho rằng sẽ là “mùa đông kinh tế” của thế giới.
Thời điểm này, các chuyên gia kinh tế đang nhắc nhiều tới tầm quan trọng của việc bơm vốn cho nền kinh tế. Sau khi mở cửa và kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện nhưng thách thức vẫn rất lớn do hạn chế bởi dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh... Việc Ngân hàng Nhà nước mới nới room tín dụng trước mắt có thể giải tỏa được nút thắt này. Nhưng rủi ro vẫn có thể gia tăng nếu dòng vốn này không đến đúng địa chỉ hoặc khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Bơm tiền hay không bơm tiền đều phải căn cứ vào nợ xấu. Không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu. Nếu bơm tiền ra đúng đối tượng, cho những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay”, ông đề xuất. Chuyên gia này cho rằng còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công “bơm máu” ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.
Tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Bắt đầu xuất hiện kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%... Trên cơ sở định hướng của Ngân hàng Nhà nước, dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 457.450 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành của Vietcombank, cho biết, năm 2022 Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021. Ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào các ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng, đảm bảo nợ xấu ở mức thấp. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, cũng cho biết cùng với tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng dự định tăng cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe và tập trung tăng trưởng thẻ tín dụng nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân, qua đó tạo sức tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
Dù cánh cửa tín dụng đã được mở nhưng các ngân hàng vẫn đang khát vốn, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã được đẩy lên trên dưới 8%/năm. Kinh tế cần tiền nhưng thực tế, tỉ lệ room mà các ngân hàng được nới không cao, chỉ khoảng từ 1-4% nên tác động của việc nới room chỉ ở mức vừa phải. Ngay cả gói hỗ trợ 2% lãi suất cũng không hẳn sẽ được đẩy nhanh hơn từ tác động của việc nới room. Vì thế, cần phải gỡ nhanh các điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, thay vì phụ thuộc hết vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, một rủi ro lớn trong giai đoạn cuối năm nay và năm tới là nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm và những khó khăn khác cho kinh tế Việt Nam. Do đó, cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn giúp doanh nghiệp phục hồi và giữ được thị trường trong nước, làm bộ đệm đề phòng các cú sốc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam phải đi thăng bằng trong việc giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế. Trong khi đó, các nhà điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam thừa nhận khó khăn do tác động vòng 2 của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, gây áp lực lên tỉ giá.
“Chúng tôi vẫn khuyến nghị rằng, chính sách tiền tệ cần phải thận trọng. Việc nâng trần tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá”, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, khuyến cáo. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào lạm phát và chưa nên nới lỏng. Đảm bảo sự thống nhất giữa các công cụ lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng và ngoại hối.
Đây là bài toán hóc búa cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam để có được một kịch bản kinh tế đẹp trong năm tới.