“Đội lái” trở lại
Năm 2009 một phần của gói kích cầu bù lãi suất đã chảy vào chứng khoán và sự đầu cơ đã được thổi bùng lên mạnh mẽ với sự xuất hiện của “đội lái”, sử dụng tiền vay ký quỹ (margin) đẩy thị giá hàng loạt cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp, tăng đến vài lần, bất chấp hiệu quả kinh doanh èo uột của doanh nghiệp.
Có không ít trường hợp công ty càng lỗ, cổ phiếu càng tăng giá. Hậu quả là sau đó niềm tin của nhà đầu tư vào chứng khoán lụi tàn, thị trường suy thoái kéo dài, sự thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bị suy giảm nghiêm trọng.
Bây giờ “đội lái” đang trở lại cùng với margin quy mô hơn, chiêu thức tinh vi hơn, lách hầu hết các quy định quản lý, giám sát thị trường.
Nếu vấn đề “đội lái” không được xử lý mạnh mẽ, dứt khoát và nghiêm khắc từ phía cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cao hơn là Bộ Tài chính, thì niềm tin của giới đầu tư, sự phục hồi của thị trường sẽ bị thách thức cao độ!
In giấy lấy tiền
Không khó để nhận ra trên cả hai sàn, trong vòng 12 tháng qua, có những công ty tăng vốn gấp 4-5 lần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu nhiều đợt với tỷ lệ 1:1 hoặc hơn thế. Thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá ư? Không quan trọng. Người ta nhận thấy có cổ phiếu thị giá đang 5.000-6.000 đồng, công ty thông báo phát hành tăng vốn, bán cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá, thế là “tự nhiên” thị giá cứ ầm ào đi lên, về 10.000 đồng, rồi vượt 10.000 đồng lúc nào không hay.
Phát hành không hết, một số cá nhân đứng ra mua, sau lại vác ra bán trên thị trường. Tiền thu được từ phát hành, công ty mang đi mua dự án bất động sản này, chuyển nhượng dự án nhà đất kia, và vài tháng sau, đã thấy công bố các dự án ấy sắp bán sản phẩm căn hộ, nhà đất. Rồi thêm 1-2 tháng nữa, báo cáo tài chính quí cho thấy các dự án mang lại lợi nhuận đột biến. Thêm một cái cớ để đẩy thị giá cổ phiếu vòng hai.
Khi được hỏi về những dự án cụ thể này, các chủ đầu tư bất động sản, kể cả những công ty mạnh, kinh doanh bằng nguồn tiền tự có, không vay mượn ngân hàng, đều ngơ ngác: “Chúng tôi đang khuyến mãi hết mình đây, sức tiêu thụ chậm lắm, bán được một căn cũng mừng, vậy mà sao họ có sản phẩm, bán ào ào, thu tiền ào ào thế? Chịu!”.
Chiêu mua bán dự án bất động sản lộ liễu quá, một số công ty quay sang chiêu thứ hai chi tiết và có vẻ mang tính thuyết phục hơn: tiền phát hành mang đầu tư ngay vào một số cổ phiếu niêm yết. Họ chọn những đơn vị vốn nhỏ, thanh khoản yếu, lượng cổ phiếu lưu hành không nhiều và “bơm giá”. Phải dùng từ “bơm giá” không ngoa. Cổ phiếu tăng trần 5-10 phiên liền, chuyện nhỏ! P/E lên 30-40 lần, mặc kệ! Mỗi phiên, mỗi cổ phiếu được bơm giá đó, khớp lệnh vài chục ngàn đơn vị, chỉ cần dăm nhà đầu tư cá nhân mua ăn theo, là đủ đưa giá về mức trần.
Đến mùa công bố kết quả kinh doanh, chuyện phải đến đã đến. Những phi vụ mua và bơm giá cổ phiếu trên báo cáo tài chính biến thành các thương vụ đầu tư tài chính với mức lãi vài trăm phần trăm. Chứng minh có giấy trắng mực đen nhá: giá mua trên sàn trung bình từng này, thị giá đang từng này, lãi từng này. Đây là lãi thật nhá! Lợi nhuận ảo mà cứ như thật, không ai “cãi” vào đâu được!
Xem ra sự tinh vi của sở hữu chéo ngân hàng chẳng là gì so với các vụ thâu tóm để đẩy giá cổ phiếu hiện tại. Ngân hàng A mà mua thêm vài trăm ngàn cổ phiếu ngân hàng B, ông chủ ngân hàng Y chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng X là bị dư luận săm soi, lên tiếng. Còn trên Hose hay Hnx, một công ty niêm yết sở hữu chi phối vài doanh nghiệp niêm yết khác là chuyện thường. Thanh tra UBCKNN đâu thèm để ý. Giả dụ thâu tóm để mở rộng đầu tư, phát triển doanh nghiệp một cách bài bản thì không nói làm gì. Đằng này thâu tóm xong, công ty được thâu tóm tuyên bố tăng vốn gấp nhiều lần (có đơn vị họp đại hội đồng cổ đông bất thường, thông qua kế hoạch tăng vốn gấp 10 lần), để đi mua các công ty khác nữa. Vòng quay cứ thế nhân rộng.
Thanh khoản kỷ lục với tay phải tay trái?
Từ đầu tháng 11-2014, giới đầu tư choáng váng với thanh khoản một số cổ phiếu. Có cổ phiếu khớp lệnh hơn 50 triệu đơn vị ngày, chiếm hơn một phần ba tổng khối lượng giao dịch của Hose. Trong ba phiên liên tiếp tổng khối lượng khớp lên tới 113 triệu đơn vị, trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Đây là lượng cổ phiếu bị “giam” do quy định T+3, mà lớn thế. Khối lượng khớp bình quân 10 phiên là 25 triệu đơn vị/phiên.
Xem đầy đủ trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn
Nguồn TBKTSG