Thứ Năm | 21/06/2012 22:55

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm than khó

Tính đến giữa tháng 5/2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn và ẩn chứa nhiều rủi ro khi chỉ tăng 5,8%.
Cạnh tranh về giá

Chưa khi nào các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam lại than khó nhiều như hiện nay. Xuất khẩu tôm đang rơi vào tình thế rất khó khăn khi giá bán cho đối tác thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào.

Nguyên nhân một phần là do, tôm chết hàng loạt ngay khi mới thả nuôi tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã đẩy nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm, doanh nghiệp phải thu mua với giá cao hơn. Phần khác là do sức ép cạnh tranh từ quốc gia sản xuất tôm khác trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador trúng mùa đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam buộc phải bán tôm với giá ngang bằng hoặc thấp hơn để cạnh tranh.

Nguy cơ mất thị trường lớn nhất

Từ ngày 1/1 đến 15/5/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với giá trị đạt hơn 186 triệu USD, tăng 25,8%. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam khi chiếm đến 26,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường mà tôm Việt Nam phải đối diện với nhiều rào cản nhất. Mới đây, phía Nhật Bản lại thông báo tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam.  Chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ gặp khó trong việc thâm nhập vào thị trường này.     

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc VASEP cảnh báo, tình trạng tôm nhiễm tạp chất bị các thị trường xuất khẩu trả về ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang có nguy cơ mất thị trường Nhật Bản, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất và cũng là thị trường bán có giá nhất của doanh nghiệp tôm Việt Nam.

Chuyển hướng thị trường

Những năm trước đây, EU, Mỹ, Nhật Bản luôn được xem là những thị trường chủ lực của con tôm Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2012 đến nay, xuất khẩu tôm sang những thị trường này đều gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU liên tục sụt giảm, sang Mỹ đạt mức tăng trưởng thấp, sang Nhật Bản tuy có khả quan nhưng lại vướng vào rào cản mới.

Do đó, việc tìm kiếm và chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường mới tiềm năng trong thời điểm này là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm, đặc biệt là thị trường châu Á.

Từ đầu năm đến 15/5/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường châu Á vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 79 triệu USD, tăng 4,1%; Hàn Quốc đạt 50,4 triệu USD, tăng 25,2%; Đài Loan đạt hơn 20,3 triệu USD, tăng 3,9%; ASEAN đạt 12,3 triệu USD, tăng 8,9%...

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, cũng cần mạnh tay hơn về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu thủy sản.

Nếu không có những giải pháp kịp thời thì mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2012 sẽ trở nên xa vời.

Nguồn Baocongthuong


Sự kiện