Thứ Hai | 24/12/2012 07:48

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thận trọng khi nhận đơn hàng 2013

Thiếu vốn mua nguyên liệu, chỉ có thể nhận những đơn hàng nhỏ lẻ là tình trạng phổ biến hiện nay của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ông Lâm Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn-Mê Kông cho biết, từ đầu năm tới nay, do thiếu vốn để mua nguyên liệu nên sản lượng xuất khẩu các mặt hàng cá tra-ba sa của công ty giảm 5% so với cùng kỳ năm 2011.

Hiện công ty đang có rất nhiều đơn hàng cho những ngày cuối năm 2012 và quý I năm 2013, nhưng vì không đủ nguồn vốn mua nguyên liệu nên chỉ có thể nhận những đơn hàng vừa phải chứ không thể ký các hợp đồng lớn.

Cũng theo ông Hải, do các thị trường nhập khẩu ở châu Âu áp dụng các yêu cầu khắt khe về chất lượng cho nên nhiều doanh nghiệp tập trung xuất qua thị trường Mỹ khiến cho việc cạnh tranh tại thị trường này xảy ra vô cùng khốc liệt.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Anh (Công ty CP Thủy sản Cửu Long) chia sẻ, nguồn vốn vay ngân hàng để mua nguyên liệu hạn chế nên tính đến thời điểm hiện nay sản lượng tôm xuất khẩu của công ty đã giảm khoảng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Cửu Long vẫn có thể vay vốn được từ các ngân hàng nhưng mức lãi suất vẫn còn cao nên rất khó để làm ăn có lãi.

Trong khi đó, đầu ra cũng gian nan không kém khi hiện nay thủy sản Việt Nam đang phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước "đối thủ" như Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là Ấn Độ, khi chính phủ những nước này đã có các chính sách hỗ trợ nuôi tôm phục vụ chế biến xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho vay thu mua nguyên liệu, ông Lâm Ngọc Hải cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định đến hết tháng 9 vừa qua doanh số cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là trên 38.200 tỷ đồng và dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra là hơn 20.700 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011). Song trên thực tế Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn-Mê Kông chỉ nghe nói về số tiền này chứ chưa hề tiếp cận được.

Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, so với đầu năm 2011, hiện chi phí đầu vào của hoạt động chế biến xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 30%. Trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản xuất sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều không tăng, thậm chí có lúc giảm.

Điều đáng nói là việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng diễn ra khá chậm chạp, khiến doanh nghiệp phải xoay xở trả nợ vay với lãi suất cao và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu tình trạng này còn tiếp tục tiếp diễn thì bước sang năm 2013 ngành xuất khẩu thủy sản sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa. Điều này lý giải được tại sao nhiều doanh nghiệp lại hạn chế nhận đơn hàng lớn từ đối tác vì sợ nếu không tính toán kỹ, để phát sinh thêm chi phí sẽ bị lỗ.

Nguồn Báo Công Thương


Sự kiện