Giá thép đang tạo áp lực lớn đến các chủ đầu tư, đặc biệt là nhà thầu xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng “méo mặt” vì giá thép tăng phi mã
Ông Nguyễn Hữu Quang - Giám đốc Công ty CP đầu tư Xây Dựng Trí Quang kể: Hiện tại giá các loại thép trên thị trường đã tăng bình quân từ 45-50% so với cuối năm 2020. Chẳng hạn thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý nếu vào cuối năm 2020 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT) - tức là tăng 50%. Không riêng giá thép, theo ông Quang giá các loại vật liệu khác như xi măng, gạch, cát… cũng tăng từ 10-30% do tình hình cước vận tải tăng.
“Hiện chi phí mua thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng cao cùng các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 15%, buộc chúng tôi phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh lại”- ông Quang chia sẻ.
Hiện tại giá các loại thép trên thị trường đã tăng bình quân từ 45-50% so với cuối năm 2020 |
Liên quan đến vấn đề này, theo Phú Đông Group- doanh nghiệp vừa phát triển dự án, vừa là đơn vị thi công, trên nguyên tắc khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3%, thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều 50 - 50, hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất.
Tuy vậy theo ông Nguyễn Hữu Quang, không phải chủ đầu tư nào cũng chấp nhận điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, công ty ông cùng một số chủ thầu khác ở TP. Hồ Chí Minh đã chịu lỗ khoảng 8% cho mỗi công trình. Để giảm mức độ thiệt hại, công ty chấp nhận mất toàn bộ lãi thi công các công trình, đồng thời tạm hoãn 2 công trình đang thi công dang dở và không nhận thêm công trình mới.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành phân tích: So với cuối năm 2020 thì giá thép đã tăng trên 150%, gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các công trình mới, kéo lợi nhuận và kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh, thậm chí phải chịu lỗ.
Khi giá thép tăng như hiện nay có thể khiến giá trị công trình bị đội lên trên 10%. |
Ông Nghĩa cho rằng, nếu thép tăng giá trong giai đoạn ngắn, thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả khi họ bị hợp đồng “cột chặt” từ trước, nhưng giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài như hiện nay thì chủ đầu tư sẽ phải chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Điều đó cũng có nghĩa là, chủ đầu tư dự án sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ.
Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí linh tinh chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60-70% (nếu tính riêng chi phí vật tư cơ bản như thép, sắt, cát, xi măng, đá chiếm 36%). Khi giá thép tăng như hiện nay có thể khiến giá trị công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên sổ sách (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng một m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá nhà có thể đội lên trên 10%.
Với đà tăng hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land dự báo, đến quý 3 và quý 4/2021, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản. Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, rất có thể thị trường nhà ở sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Châu -Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Việc giá thép tăng đang khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu, người tiêu dùng chịu thiệt. Để "giảm nhiệt" giá thép cần sự can thiệp, điều tiết quản lý giá của Nhà nước bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tạo ra nguồn nguyên liệu khác thay thế các vật liệu nguyên liệu nhập khẩu. Khi xây nhà, các nhà thầu nên chọn các nguyên vật liệu theo hướng vật liệu xanh, vật liệu trong nước để giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào các vật liệu nhập khẩu… |