Doanh nghiệp xăng dầu vẫn mập mờ lỗ, lãi
Các chuyên gia cho rằng, chỉ có giảm chi phí, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp (DN) mới giúp giá bán lẻ tiệm cận giá thế giới.
Doanh thu giảm, lãi vẫn tăng
Quý II/2015, kết quả kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gây bất ngờ, với lợi nhuận hơn 1.125 tỷ đồng, gần gấp ba lần lợi nhuận cùng kỳ 2014 là 414 tỷ đồng.
Petrolimex giải thích, lãi tăng mạnh là do sản lượng xuất bán xăng dầu trong quý này tăng 12% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của DN lại thể hiện doanh thu thuần của Tập đoàn giảm 22% so với cùng kỳ (đạt 43.565 tỷ đồng).
Trả lời PV, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex chỉ ngắn gọn: “Chúng tôi là DN Nhà nước, lợi nhuận của TCT cũng là lợi nhuận của Nhà nước”. Còn ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận xét, các DN, mà cụ thể là Petrolimex lãi là do tăng thị phần bán hàng và tiết giảm được chi phí.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tăng mạnh gấp 2,7 lần cùng kỳ, là nhờ được tăng chi phí định mức mỗi lít xăng RON 92 từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít; Dầu diesel lên 950 đồng/lít, dầu madút lên 600 đồng/lít và duy trì lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng.
Bỏ quỹ bình ổn, giảm lợi nhuận định mức?
Về nhận xét chi phí, lợi nhuận định mức đang có lợi cho DN, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm, trả lời câu hỏi: “Có cần cân chỉnh lại các yếu tố cấu thành giá để giảm thêm giá bán lẻ”? , ông Trần Ngọc Năm cho rằng, tất cả đều theo công thức được Nhà nước quy định. “Khi giá thế giới giảm thì giá trong nước sẽ giảm, liên bộ đang điều hành đúng như vậy. Không có chuyện giá thế giới giảm mà trong nước không giảm được”, ông Năm khẳng định.
“Sau đợt giảm giá xăng dầu gần 800 đồng/lít ngày 19/8 vừa qua, các DN đầu mối đang lỗ chứ không phải lãi”, Phó tổng giám đốc Saigon Petro Trần Minh Hà nói và giải thích. DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trữ hàng tồn trong 30 ngày. Khi giá giảm, hàng trong kho chưa tiêu thụ hết thì chính là mua đắt bán rẻ. Tuy nhiên, khi được hỏi mức lỗ cụ thể thì ông Hà cho biết chưa tính toán do nhập hàng theo nhiều lô!?
Chia sẻ vấn đề khi giá thế giới tăng, DN thường “lờ” chi tiết trữ hàng 30 ngày, nhưng khi giá giảm thì ngược lại. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sau một thời gian dài giá xăng thế giới giảm liên tục, cơ quan quản lý nên tính đến việc giảm hoặc xóa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (300 đồng/lít xăng). Bỏ quỹ bình ổn sẽ có lợi cho người dân, giá thị trường sẽ không bị “nhiễu”. “Nếu bỏ được quỹ bình ổn thì giá xăng dầu giảm được cả chục phần trăm”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Trong bối cảnh các DN đang làm ăn có lãi, ông Phong cũng kiến nghị giảm mức chi phí định mức và lợi nhuận định mức. “Nếu tính thêm vào thuế thì ngân sách còn được hưởng chứ nếu cứ tính cho DN thì 'ăn dầy' quá”. Ông Phong nói và cho biết, lợi nhuận định mức của DN chỉ nên ở mức 150-200 đồng/lít, vì ở mức này DN đã sống tốt.
Nguồn Báo giao thông