Doanh nghiệp xăng dầu giải trình việc nợ thuế
Trước vấn đề này, trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đại diện Vinapco cho rằng, số nợ thuế 47 tỷ đồng trên là thuế nhập kinh doanh của 1 chuyến nhiên liệu bay Jet - A-1 mà Vinapco mở tờ khai nhập khẩu ngày 31/7/2012 và đã được nộp thuế vào ngày 28/8/2012 (trước hạn nộp thuế cuối cùng 1 ngày). Tuy nhiên cũng ngày 28/8/2012, cơ quan hải quan vẫn ra thông báo Vinapco nợ thuế của lô hàng trên.
Đại diện doanh nghiệp cho hay, nguyên nhân là phía hải quan không cập nhật kịp thời thông tin trên hệ thống. Theo quy định hiện hành của hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu có nợ thuế quá hạn sẽ bị cưỡng chế nhập khẩu. Thực tế hiện nay, việc nhập khẩu xăng dầu, vật tư, trang thiết bị của Vinapco vẫn diễn ra bình thường.
Giải trình về việc “găm hàng nhiên liệu chờ tăng giá”, lãnh đạo Vinapco khẳng định, đối với mặt hàng nhiên liệu bay Jet - A-1, công ty luôn thực hiện đảm bảo an ninh năng lượng hàng không và đảm bảo dự trữ bắt buộc 30 ngày theo Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu. Lượng hàng tồn không tái xuất như một số báo chí phản ánh thời gian qua là 164,8 nghìn tấn là không đúng.
Tính đến hết tháng 6/2012, lượng hàng đã tạm nhập đang tái xuất có tồn khoảng gần 50.000 tấn, đây là lượng hàng gối đầu chỉ đủ tái xuất khoảng 1 tháng cho các hãng hàng không bay tuyến quốc tế. Đối với mặt hàng Xăng Mogas 92, công ty đã chuyển toàn bộ khối lượng còn lại không tái xuất hết sang kinh doanh tiêu thụ nội địa và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế với nhà nước.
Trước đó, Petrolimex cũng đã có công văn gửi các cơ quan liên quan giải trình về số thuế nợ do Tổng cục Hải quan thông báo. Tương tự, đại diện Petrolimex cho rằng,doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế nhưng thông tin của Tổng cục Hải quan chưa được cập nhật kịp thời trên hệ thống.
Nguồn Báo Tin tức