
Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản, và gỗ sẽ chịu tác động đáng kể. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp Việt trước rủi ro thuế quan Mỹ
Nguy cơ áp thuế cao từ Mỹ đang tạo ra áp lực đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm nhóm doanh nghiệp FDI, vốn chiếm ưu thế trong thương mại với Mỹ.
Những thay đổi trong chính sách thuế quan có thể dẫn đến việc điều chỉnh ngành hàng và thị trường xuất khẩu, hoặc thậm chí dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa, hoạt động trong các ngành như dệt may, thủy sản và gỗ, có thể phải đối mặt với thách thức lớn về khả năng chống chịu tài chính, khiến họ dễ bị tác động hơn khi môi trường thuế quan thay đổi.
![]() |
Việt Nam nằm trong nhóm ba quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2024, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico. Về cơ cấu giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo nhóm doanh nghiệp, có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong suốt những năm gần đây.
Báo cáo của FiinGroup cho thấy, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc và Đài Loan chủ yếu tập trung vào xuất khẩu sản phẩm điện tử, lần lượt chiếm 60% và 35% tổng giá trị. Với doanh nghiệp Mỹ, máy móc thiết bị và hàng điện tử chiếm tổng tỉ trọng hơn 85%. Tỉ trọng mặt hàng chủ lực của ba quốc gia có sự khác biệt lớn, nhưng đều tập trung vào các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật sản xuất cao, cho thấy năng lực chuyên sâu của khối FDI tại Việt Nam.
![]() |
Doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam tập trung xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy móc tương tự xu hướng chung của khối FDI. Bên cạnh đó là các mặt hàng như gỗ, dệt may, da giày cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nhóm này nhập khẩu từ Trung Quốc 2,7 tỉ USD, chỉ tương đương 10,8% giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Phần lớn các mặt hàng này là để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử và máy móc.
Ngành dệt may, gỗ và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực, với tổng tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 46% giá trị xuất khẩu Mỹ của doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang đối mặt với rủi ro lớn từ thuế quan của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và duy trì hoạt động doanh nghiệp.
“Với điều kiện sức khỏe tài chính hạn chế và mức độ tác động lớn về mặt kinh tế xã hội của nhóm doanh nghiệp này, đòi hỏi phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời”, FiinGroup nhận định.
Theo FiinGroup, doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và bao gồm cả Mỹ, chiếm tỉ trọng áp đảo trong tỉ trọng xuất khẩu trong suốt các năm qua, cần chung tay đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán, chia sẻ khó khăn, và duy trì sản xuất để bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong các ngành như dệt may, thủy sản, và gỗ sẽ chịu tác động đáng kể; đây cũng là nhóm sử dụng nhiều lao động nên cần được chính phủ hỗ trợ kịp thời thông qua các gói tín dụng ưu đãi, chương trình thương mại quốc tế và chính sách an sinh cho người lao động.
Đối với tổ chức tín dụng, cần điều chỉnh chính sách tín dụng, tăng cường giám sát rủi ro danh mục, và ứng dụng các công cụ phân tích chuyên sâu, kịp thời để kiểm soát rủi ro đối với các ngành bị ảnh hưởng lớn.
Về dài hạn, Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa, hướng tới mục tiêu đưa doanh nghiệp trong nước trở thành chủ lực trong hoạt động xuất khẩu đa ngành. Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực, xây dựng chính sách dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành xuất khẩu công nghệ cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.
Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, giảm thiểu tác động nếu thuế quan không được điều chỉnh theo hướng tích cực trong trung và dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn Theo FiinGroup