Theo khảo sát của HVNCLC, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: TL.

 
Sơn Mai Thứ Tư | 30/03/2022 10:41

Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi chinh phục thị trường

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh ngã ngựa, buông tay hoặc thu hẹp thị phần. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến số hóa, chuẩn hóa nhằm chinh phục thị trường.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và phải đối mặt với tình hình giãn cách xã hội, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất- thương mại dịch vụ Qui Phúc đã nhanh chóng tìm giải pháp để hỗ trợ các đại lý và khách hàng duy trì hàng hóa kinh doanh. Kết quả là sau dịch, các đơn hàng của Công ty tăng nhiều hơn và vẫn giữ được thị trường xuất khẩu cũ và tìm thêm được 1 số thị trường mới. 

Bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc tiếp thị Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại dịch vụ Qui Phúc cho biết, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh đã cho thấy sự thay đổi về xu hướng, hành vi của người tiêu dùng. Họ hoạt động trên internet nhiều hơn, chuộng mua hàng online không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt. Qui Phúc cũng cải tiến và thay đổi liên tục để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Không giống Qui Phúc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, hệ thống phân phối; thậm chí không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, hàng hóa tồn kho nhiều. Một số khác thì thiếu nguồn lao động, hoạt động sản xuất cầm chừng...ông Nguyễn Văn Phượng, Bộ phận thực hiện khảo sát Hội DN HVNCLC, chia sẻ tại lễ Công bố HVNCLC diễn ra tại TP.HCM.

Ảnh: TL.
Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn, họ mua hàng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Ảnh: TL.

Theo kết quả bình chọn của người tiêu dùng, có 524 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC 2022. Trong đó, có 87 doanh nghiệp mới đạt lần đầu và tập trung ở nhóm doanh nghiệp thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường đạt OCOP 5 sao. Đặc biệt, có 36 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn liên tiếp 26 năm. Kết quả khảo sát cho thấy, có 2.830 doanh nghiệp được nhắc tên trong tất cả các nhóm sản phẩm, với gần 30.000 lượt bầu chọn. Cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2022 được Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức thực hiện trong hơn 2 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. 

Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp. Số lượng cửa hàng bán giảm so với trước thời điểm bùng phát dịch, cửa hàng tại một số khu vực vẫn còn đóng cửa ngay tại thời điểm khảo sát, mặc dù đây là thời gian đã áp dụng các biện pháp thích ứng linh hoạt công tác phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”. Người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn, họ mua hàng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu…

Ảnh: TGHN.
Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC. Ảnh: TGHN.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn quá khó khăn, người bán ế ẩm; hàng hóa của doanh nghiệp vẫn bị tồn đọng; một số doanh nghiệp thuộc các mặt hàng bán chạy lại chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất cầm chừng hiện vẫn còn khá phổ biến.

Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC cho rằng, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững bằng chính chất lượng hàng hoá của mình, Hội sẽ tập trung nhiều hơn trong việc giúp doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đưa sản phẩm Việt thâm nhập vào thị trường thế giới.