Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal. Ảnh: Halal Weekly.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 20/07/2023 10:59

Doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thực phẩm 1.900 tỉ USD

Thị trường tiêu dùng của các nước Hồi giáo đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Mới đây, tại tọa đàm "Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo", các chuyên gia cho biết khối các nước Hồi giáo đang chiếm 25% dân số thế giới là thị trường tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng tích cực. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal (sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) đang tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt. Chi tiêu cho thực phẩm Halal tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 ước tính sẽ lên mức 1.900 tỉ USD vào năm 2030.

Với lợi thế lớn về xuất khẩu nông, thủy sản, lại có vị trí gần những thị trường Halal lớn là châu Á, nơi có khoảng 62% dân số Hồi giáo, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đặc biệt, mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

cộng đồng người Hồi giáo trên toàn cầu có quy mô lên tới 2 tỉ người. Ảnh: ISM
Cộng đồng người Hồi giáo trên toàn cầu có quy mô lên tới 2 tỉ người. Ảnh: ISM

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.

Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM đánh giá cao tiềm năng xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo, dù số người theo đạo Hồi tại Việt Nam chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Theo bà Wong Chia Chiann, nước Úc chỉ có 3,5% dân số theo đạo Hồi nhưng giá trị xuất khẩu thịt Halal của Úc đạt xấp xỉ 2,4 tỉ USD mỗi năm.

 

Chia sẻ về thị trường Hồi giáo, ông Diệp Nam Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) cho biết, hiện một số đối tác từ các nước Hồi giáo đang mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp nhãn hàng theo tiêu chuẩn cho cộng đồng mình. Điều này đã mở ra cơ hội chinh phục thị trường cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới cho doanh nghiệp. Đầu năm 2023, Cholimex Food đã có những lô gia vị lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Indonesia và Brunei, trở thành bước đệm để doanh nghiệp tiếp cận thị trường người Hồi giáo.

Tuy nhiên, để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, cần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal bởi hiện chưa có quy chuẩn cụ thể trong việc chuẩn hóa mô hình chứng nhận Halal. Đi kèm với đó là có rất ít đơn vị đứng ra hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp chứng nhận Halal.

Ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Consultech JSC cho biết, các tiêu chuẩn và quy định Halal ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây tốn kém chi phí cho hợp tác xã, doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Ngoài ra, để sản phẩm của hợp tác xã đến gần hơn với thị trường Halal, các chuyên gia đề xuất thời gian tới cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam trong nhóm 4 thị trường dẫn đầu ngành thực phẩm từ thực vật