Vừa qua, USAID "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Liệu doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này. Ảnh:TL
Doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Tại diễn đàn“Cơ hội kết nối và đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, mới diễn ra ngày 9.12 vừa qua, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chia sẻ Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư 650 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP.HCM và đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa Việt Nam để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nội địa hợp tác, nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất và góp phần tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới, ông Đông nhận định.
Chia sẻ thêm vể thông tin này, ông Robert Greenan, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết USAID thông qua dự án LinkSME đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (CSID), nhằm thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ông Jeff Nessom, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của TTI, cho biết tập đoàn đang có sự chuyển dịch nhà máy từ khu vực Bắc Mỹ sang khu vực châu Á. Ảnh: TL |
Ông Jeff Nessom, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của TTI, cho biết tập đoàn đang có sự chuyển dịch nhà máy từ khu vực Bắc Mỹ sang khu vực châu Á. Những sản phẩm mà công ty xác định chủ lực sản xuất tại Việt Nam là phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng. Nhà đầu tư này cũng sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử.
Hiện doanh số xuất khẩu nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã tăng từ 300 triệu USD cuối năm 2019 lên khoảng 1,5 tỉ USD vào cuối năm 2020 và dự tính sản phẩm của công ty làm ra tại Việt Nam sẽ đạt 6 tỉ USD vào năm 2025.
Một điểm đáng chú ý, theo ông Jeff Nessom, TTI đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên 80% trong thời gian tới nên rất cần nhiều nhà cung ứng trong nước tham gia vào dự án nhà máy đặt tại SHTP.
Doanh nghiệp Việt có dễ tham gia chuỗi cung ứng?
Theo ông Robert Greeman, Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã và đang thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn toàn cầu. Theo xu hướng hiện nay, các hoạt động đầu tư bao gồm chuỗi cung ứng và doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần có sự chuyển đổi linh hoạt hơn để chủ động nắm bắt cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía USAID thì đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan Việt Nam triển khai dự án nâng “Thúc đẩy nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ảnh:TL |
Về phía USAID thì đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan Việt Nam triển khai dự án nâng “Thúc đẩy nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” nhằm tăng khả năng kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất như, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi; xét duyệt các dự án vay vốn cũng nới rộng hơn, thủ tục hồ sơ tinh giản hơn, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói vay kích cầu.
Về hạ tầng đầu tư, thành phố đã dành quỹ đất tại các khu công nghiệp có vị trí giao thông kết nối thuận tiện với khu công nghệ cao để xây dựng nhà xưởng cao tầng kết hợp giảm giá thuê đất, đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...
Thực tế, trước đó nhiều nhà cung ứng Việt cũng hưởng lợi từ chuỗi cung ứng của Samsung. Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam khi có số vốn đăng ký lên tới 17,4 tỉ USD vào các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.
Tính đến hết năm 2019, khoảng 42 doanh nghiệp Việt trở thành vendor cấp 1 cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, con số vẫn đang dự kiến được tăng lên theo cam kết của Chaebol Hàn Quốc.
Điển hình Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, hiện cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Doanh thu của công ty này năm ngoái gần đạt mức 2.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 75 tỉ đồng. Ngoài Samsung là đối tác chính, sản phẩm của Việt Hưng còn được cung cấp cho Canon Việt Nam, nhà sản xuất camera đến từ Nhật Bản.