Doanh nghiệp Việt ngơ ngác trước thềm AEC
Trong khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải chờ ít nhất 2-3 năm nữa mới có hiệu lực thì ngay cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành. AEC tương tự như một quốc gia chung mà 10 nước trong khối ASEAN sẽ tự do giao thương, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn và tự do di chuyển lao động có kỹ năng.
Sự ra đời của một thị trường có GDP xấp xỉ 2.400 tỉ USD, với trên 600 triệu dân sánh ngang hàng với nền kinh tế lớn thứ 7 toàn cầu, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ và làm biến chuyển nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một khảo sát mới đây của Công ty Robenny trên 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho thấy 72% doanh nghiệp không biết gì về AEC. Số còn lại nói rằng họ có biết đôi chút nhưng không thực sự quan tâm về AEC.
Không biết và không muốn biết
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sở dĩ doanh nghiệp mơ hồ về AEC một phần vì thông tin liên quan đến cộng đồng kinh tế chung này còn thiếu và chưa được phổ biến, mặt khác do doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng và đầy đủ những tác động từ AEC. Trong quan niệm của nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát, ASEAN là thị trường chưa đáng lưu tâm và tham gia vào AEC là việc của Chính phủ.
Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cho biết đây là suy nghĩ nguy hiểm, thể hiện sự thiếu chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam trước hội nhập AEC.
ASEAN là thị trường hiện có tốc độ tăng trưởng cao hơn cả châu Âu. Đặc biệt, từ sau khi Brunei, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore gỡ bỏ hàng rào thuế quan vào năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN liên tục gia tăng. ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và châu Âu. Cùng hàng loạt cái bắt tay giữa ASEAN với các nước và với các khu vực khác, AEC hứa hẹn sẽ là thị trường thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, Canada, Úc, New Zealand...
Tuy nhiên, do các nước ở ASEAN phát triển không đồng đều, thu nhập cách biệt nên thị trường chung AEC được dự báo sẽ có sự phân hóa lớn, không thống nhất. Đặc điểm này sẽ khiến cho doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường. Hơn nữa, để bảo vệ thị trường nội địa, các quốc gia ASEAN sẽ dựng lên nhiều hàng rào phi thuế quan khác thông qua đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hoặc đặt ra các tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp vì an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường...
Do đó, theo ông Robert Trần, để tận dụng cơ hội từ AEC, các doanh nghiệp phải thích ứng và thay đổi trước một thị trường đã lớn hơn về quy mô, đa dạng, phức tạp hơn về thị hiếu và người tiêu dùng cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các công ty Việt Nam “nâng cấp” mình nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của thị trường AEC và các thị trường quốc tế khác.
Khai thác ưu thế từ AEC: Không phải dễ dàng
Tuy nhiên, một vấn đề là dù thâm nhập được vào thị trường ASEAN thì theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chỉ mới 30% hàng hóa Việt Nam xuất vào ASEAN được hưởng các ưu đãi xuất khẩu. 70% hàng hóa còn lại đều xuất đi theo con đường bình thường, không khai thác được các ưu đãi miễn thuế.
Ở chiều ngược lại, dù Việt Nam chưa hội nhập hoàn toàn, chỉ mới bắt đầu cắt bỏ thuế quan từ năm 2014 và vẫn còn 7% biểu thuế sẽ được gỡ bỏ linh hoạt đến năm 2018, nhưng thị trường nội địa của Việt Nam đã sớm bị các nước ASEAN nhòm ngó. Từ năm 2010, hàng hóa ở các nước ASEAN đã ồ ạt đổ vào Việt Nam, nhiều đến mức cán cân thương mại giữa Việt Nam - ASEAN nghiêng toàn bộ về nhập siêu. Hiện ASEAN chỉ đứng sau Trung Quốc trong cung cấp hàng hóa cho Việt Nam.
Các nước ASEAN còn tham gia vào thị trường Việt Nam bằng cách tăng cường các hoạt động đầu tư. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 20.6.2015, vốn từ các nước ASEAN đã đổ vào Việt Nam gần 55 tỉ USD cho hơn 2.600 dự án.
Điều này đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt, không chỉ ở thị trường ASEAN mà ngay chính trên sân nhà. Nhưng với đặc điểm 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thiếu và yếu từ vốn, năng lực cạnh tranh, công nghệ, kỹ thuật cho đến kinh nghiệm điều hành, quản trị...., ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, rất khó để doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức từ hội nhập. Để trụ được, họ cần sự hỗ trợ từ Nhà nước cả về nguồn lực lẫn cơ chế.
Đâu là cơ hội?
Ông Nam cho rằng có thể Việt Nam sẽ phải chấp nhận mất một số ngành khi tham gia vào AEC do bị “lép vế” trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, khi hội nhập AEC, vẫn có những ngành như kinh doanh khách sạn hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh. Nghĩa là các doanh nghiệp có thể tìm cơ hội từ những ngành ít người chú ý, còn tiềm năng, những ngành không phải đối đầu cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn.
Ngoài ra, ông Robert Trần cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các công ty sản xuất lớn. Một khi thành công và lớn mạnh, doanh nghiệp có thể tự mình làm nhà cung cấp trong AEC cũng như TPP. Muốn vậy, doanh nghiệp phải xây dựng được kế hoạch kinh doanh tốt, cải tiến hệ thống, quy trình làm việc, xây dựng thương hiệu và tiếp cận được nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư.
Ông Robert Trần lưu ý doanh nghiệp cần ưu tiên xây dựng thương hiệu sản phẩm hơn là thương hiệu công ty. “Vì một công ty có thể làm ra nhiều sản phẩm và trong trường hợp sản phẩm bị chết, thương hiệu sản phẩm đó chết chứ thương hiệu công ty không ảnh hưởng”, ông giải thích. Đó là lý do tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever chỉ tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm, đến mức nhiều người tiêu dùng chỉ biết Omo, Sunlight, Dove, Knorr, Lipton.. mà không biết Unilever là ai. Lợi ích của phát triển thương hiệu sản phẩm còn giúp doanh nghiệp dễ tìm được nguồn lực tài chính cần thiết cho sự phát triển bền vững, ổn định.
Ngọc Thủy