Chủ Nhật | 01/02/2015 19:09

Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức “thua trên sân nhà”

Khi không thể cạnh tranh, khả năng “thua trên sân nhà” của các doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ phải mở cửa gần như hoàn toàn cho hàng nhập khẩu từ ASEAN theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) trong giai đoạn 2015-2018.

Mặc dù, chính sách mở cửa về thương mại hàng hóa sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhưng việc cắt giảm thuế cũng gây ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp. Khi không thể cạnh tranh, khả năng “thua trên sân nhà” của các doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Hàng nghìn mặt hàng không còn thuế

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong Hiệp định về Khu vực Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nếu so sánh với Hiệp định thương mại hàng hóa được ban hành từ 1992 (CEPT), ATIGA linh hoạt hơn và chi tiết hơn.

Theo Hiệp định ATIGA, các nước trong khối ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng, trừ nông sản chưa chế biến đưa về 0-5%. Đối với nhóm 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thuế suất được đưa về 0-5% đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm từ 1/1/2009 và sẽ đưa về 0% từ 1/1/2015.

Hiệp định quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến 2018 với 4 nhóm nước trên; đồng thời, cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN.

Theo Bộ Tài chính, kể từ khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (ngày 17/5/2010), Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng số trong biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0%. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam sẽ đưa thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống thuế suất 0%.

Số còn lại bao gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) sẽ xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô-xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ôtô, vô tuyến, tàu thuyền. Mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng.

Như vậy, ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì những mặt hàng đang còn chịu thuế sẽ được đưa về thuế suất 0% vào năm tới, cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN. Trong đó, phần lớn là thực phẩm, hàng tiêu dùng, hầu hết đang có thuế suất 5% trong ba năm qua.

Nỗi lo mất thị phần

Nhìn chung, tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2018 sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguy cơ hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam là không thể tránh khỏi khi thuế suất về 0%. Điều này gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt, trước nay vốn không chịu thay đổi về mẫu mã, chất lượng và giữ giá thành cao. Có thể trong quá trình hội nhập, việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN.
 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa số cùng chủng loại với hàng hóa của các nước này, vì vậy sẽ rất khó cạnh tranh. Trừ các sản phẩm nông sản đặc trưng như gạo, cao su, càphê, có thể nói, Việt Nam sản xuất được cái gì thì các nước ASEAN cũng có thể làm được.

Trong khi đó, hàng Việt Nam lại kém sức cạnh tranh hơn khi sản xuất trên cơ sở manh mún, nên xâm nhập vào thị trường chung rất khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam thuận lợi hơn do giá cả phù hợp và thậm chí chất lượng còn tốt hơn.

Theo cam kết đến năm 2018, có 90% dòng sản phẩm nhập khẩu thuế suất bằng 0%, các sản phẩm công nghiệp hóa mới của Việt Nam khó cạnh tranh nổi.

Theo các chuyên gia kinh tế, thậm chí cả những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản và hàng tiêu dùng cũng có nguy cơ mất chỗ đứng khi phải cạnh tranh với các mặt hàng của Thái Lan, Campuchia. Khi không thể cạnh tranh sẽ buộc phải bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài, khả năng doanh nghiệp Việt “thua ngay trên sân nhà” là khó tránh khỏi.

Để đối phó lại, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, giấy chứng nhận… để tự phòng vệ cho chính mình. Nếu điều này không thực hiện ngay, việc thua ngay trên sân nhà chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo các chuyên gia, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, về cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh kém vì phụ thuộc vào việc nhập một số nguyên liệu trong khu vực, sản xuất xong rồi lại xuất sang nước họ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm đến thị trường ASEAN bằng thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc…

Đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp cần giữ thị phần thật tốt bằng giải pháp nâng cao chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ sau bán hàng… cũng như tìm thị trường ngách để đầu tư phát triển.

Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho hội nhập vào khu vực ASEAN. Họ chú ý nhiều hơn tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với EU bởi lợi ích từ việc gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, hai hiệp định được cho là FTA thế hệ mới này vẫn chưa được ký kết và nếu muốn các FTA đi vào hiệu lực, chúng ta phải chờ từ 3-5 năm nữa. Trong khi đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nếu các doanh nghiệp không chủ động hơn thì sẽ không có được nhiều lợi ích và thậm chí thua ngay trên “sân nhà.”

“Các doanh nghiệp Thái Lan đang tận dụng tốt cơ hội từ lưu thông hàng hóa do việc cắt giảm thuế quan theo ATIGA. Họ chủ động trong việc tìm hiểu các thị trường khu vực, chuẩn bị đón đầu cơ hội bằng những lợi thế về sản phẩm hàng hóa, cơ sở hạ tầng và cả nguồn nhân lực. Đây có thể là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi, thị trường toàn cầu rộng lớn nhưng thị trường khu vực cũng rất đáng được quan tâm,” ông Doanh cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thông tin và xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm tận dụng tối ưu những thuận lợi và ứng biến với những thách thức, cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp từ các quốc gia khác thuộc khối ASEAN.

Nguồn Vietnam+