Nhiều doanh nghiệp lớn tại thị trường Việt Nam đều đang bước chân vào lĩnh vực bán lẻ. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp Việt đua nhau tham gia thị trường bán lẻ
Tích cực tham gia thị trường bán lẻ
Tờ Korea Times mới đây đưa tin nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Emart đã quyết định bán 100% cổ phần tại Emart Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (Thaco). Theo đó Emart không còn vận hành siêu thị mà sẽ nhượng quyền thương hiệu cho Thaco quản lý.
Có thể nói, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang tích cực bước chân vào lĩnh vực này. Cách đây hơn 1 năm, Tập đoàn Vingroup vừa gây “sốc” khi công bố thông tin hoán đổi cổ phần VinCommerce và VinEco với tập đoàn Masan.
Tại thời điểm thông tin sáp nhập được đưa ra, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”.
VinCommerce cũng có ghi nhận doanh số siêu thị VinMart và VinMart+ tăng nhanh. Ảnh: TL. |
VinCommerce cũng có ghi nhận doanh số siêu thị VinMart và VinMart+ tăng nhanh. Năm ngoái, doanh thu toàn hệ thống lên đến 30.978 tỉ đồng, tuy nhiên vẫn lỗ EBITDA khoảng 1.234 tỉ đồng. Hiện chuỗi có tổng cộng 2.334 cửa hàng và lãnh đạo khẳng định mục tiêu tái mở rộng lên con số trước khi về tay Masan Group (3.072 cửa hàng).
Với mục tiêu đẩy mạnh mảng bán lẻ, mới đây Alibaba và Baring Private Equity Asia cũng tuyên bố rót 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX, khoảng 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành; đồng thời hợp tác với Lazada trên nền tảng tích hợp từ offline đến online. The CrownX là đơn vị sở hữu 83,74% cổ phần VinCommerce và 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings.
Việc gia nhập của các doanh nghiệp trong nước là điều dễ hiểu khi thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác. Trước năm 2019 về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số. Ngay cả khi bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn tăng trưởng 6,8% đạt gần 4 triệu tỉ đồng (tương đương gần 173 tỉ USD).
Chuỗi Bách Hóa Xanh thực tế đang tăng trưởng nhanh, từ doanh thu 4.000 tỉ năm 2018 đã tăng lên 21.260 tỉ đồng trong năm ngoái, mục tiêu cho năm 2021 là 30.000 tỉ đồng. Ảnh: TL. |
Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam bắt đầu cho thấy cạnh tranh lớn hơn từ các thương hiệu nước ngoài như Central Retail, Aeon Mall và MM Mega Market, đến các công ty nội địa như Saigon Co.op, VinCommerce, Bách Hóa Xanh hay Satrafoods.
Chuỗi Bách Hóa Xanh thực tế đang tăng trưởng nhanh, từ doanh thu 4.000 tỉ năm 2018 đã tăng lên 21.260 tỉ đồng trong năm ngoái, mục tiêu cho năm 2021 là 30.000 tỉ đồng. Đây là cuỗi xuất hiện khá dày với khoảng 1.767 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Saigon Co.op được xem là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, hợp tác xã này ước đạt doanh thu hơn 33.000 tỉ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt trên 1.000 tỉ đồng và là số ít đơn vị có lãi trong ngành bán lẻ kênh siêu thị. Đơn vị này còn muốn phát triển nhanh mạng lưới nhanh trên toàn quốc với khoảng 2.000 điểm bán vào năm 2025, gấp đôi hiện tại.
Ngoại dần yếu thế hoặc dừng cuộc chơi
Theo bài viết "Kinh doanh thực phẩm của Lotte tại Việt Nam sa sút" đăng trên Korea Times Hàn Quốc tối 18.4, Lotte GRS cho biết hoạt động kinh doanh thực phẩm và bán lẻ của họ tại Việt Nam đang gặp khó khăn.
Vào đầu năm ngoái, giá trị sổ sách của Lotteria Việt Nam đạt 26,8 tỉ won (hơn 553 tỉ đồng) và giảm xuống còn 15,6 tỉ won (khoảng 322 tỉ đồng) sau khi có khoản lỗ định giá 11,2 tỉ won (xấp xỉ 231 tỉ đồng). Khoản lỗ ròng của doanh nghiệp này đã vượt 10 tỉ won (khoảng 206,7 tỉ đồng) trong một năm.
Trước đó, Lotte có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh nguyên liệu thực phẩm sang các nước Đông Nam Á như Myanmar, Lào và Campuchia, với Việt Nam là trung tâm cung ứng. Song, do bùng phát của đại dịch COVID-19 dẫn đến biên giới các nước đóng cửa, kế hoạch này hiện tạm hoãn.
Chuỗi Auchan, Pháp tiếp bước rời Việt Nam khi giao lại cho Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp quản. Ảnh: TL. |
Ngoài những doanh nghiệp đang thua lỗ thì nhiều chuỗi dừng cuộc chơi. Chuỗi Auchan, Pháp tiếp bước rời Việt Nam khi giao lại cho Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiếp quản, vận hành dưới thương hiệu Auchan (nay là Co.opmart SCA) sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ.
Chuỗi cửa hàng Shop&Go của các nhà đầu tư Singapore gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005, nhưng đến giữa năm 2019 cũng chuyển nhượng 87 cửa hàng cho VinCommerce với giá chỉ 1 USD.
Trong năm 2016, hệ thống Metro Cash & Carry (Đức) được chuyển về tay Tập đoàn TCC (Thái Lan) với giá trị 655 triệu EUR (bao gồm 19 siêu thị và nhiều bất động sản liên quan). Tương tự, Casino Group rời đi sau thương vụ bán chuỗi Big C Việt Nam cho Central Retail (Thái Lan) với giá hơn 1 tỉ USD.
Dairy Farm (Hong Kong) từng đưa thương hiệu siêu thị Wellcome và Giant đến TP.HCM nhưng cả 2 thương hiệu đều không thể trụ lại. Mô hình đại siêu thị Giant có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2011 đã âm thầm bỏ cuộc vì không thể xây dựng được chuỗi bán hàng.