Doanh nghiệp Việt có thể thiệt hại hàng triệu đôla khi Úc cấm nhập tôm
Do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Bang Queensland nên Chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bộ Công Thương dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu đôla.
Hai doanh nghiệp chịu ảnh hưởng này mỗi tháng xuất khẩu sang thị trường Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp đang kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Lệnh cấm nhập khẩu tôm xanh được đưa ra sau khi bùng phát dịch đốm trắng tại các trang trại nuôi tôm phía Đông Nam bang Queensland vào tháng 12 năm 2016. Những người nông dân đã đổ lỗi cho các sản phẩm nhập khẩu chính là nguồn gốc của sự lây lan bệnh dịch này, tuy nhiên chính quyền vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác.
Lệnh cấm có hiệu lực thi hành từ ngày 9/1/2017. Theo đó, tất cả các lô hàng tôm nhập khẩu mới sẽ bị đình chỉ (rời cảng ở nước ngoài vào hoặc sau ngày 9/1/2017) khi đến Úc sẽ bị yêu cầu phải xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Bên cạnh đó, sản phẩm tôm nhập khẩu quá cảng sang Úc cũng bị một chế độ kiểm tra và thử nghiệm ngặt nghèo.
Một nhà nhập khẩu thủy sản từ Sydney cho biết công ty của bà nhập khẩu 800 tấn tôm nguyên con mỗi năm từ Thái Lan, do đó lệnh cấm này sẽ gây thiệt hại 1 triệu USD doanh thu mỗi tháng và bà ta đã phải tăng giá bán trong vòng 1 tuần sau khi lệnh cấm được ban hành. Bà cũng nói thêm rằng hiện tại giá bán lẻ đang là 22 USD/kg và nó có thể lên tới hơn 30 USD/kg khi nguồn cung giảm.
Nhật Duy