Doanh nghiệp vay vốn đối tác nước ngoài bằng hàng hóa do khó vay USD ngân hàng
Với quy định trên, không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa buộc phải vay VND với lãi suất cao rồi mua USD thanh toán cho đối tác nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu cần vốn để mua nguyên liệu sản xuất trong nước cũng phải vay VND dù có nguồn thu ngoại tệ.
Theo Người lao động, để giảm mức độ vay vốn ngân hàng, một số doanh nghiệp xuất khẩu thường vay vốn của đối tác nước ngoài thông qua hàng hóa (thường gọi là vay hàng hóa nước ngoài).
Cụ thể, doanh nghiệp chưa giao hàng cho đối tác nước ngoài nhưng đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất do công ty con của đối tác nước ngoài cung cấp. Khi hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp đến kho của đối tác nước ngoài, số tiền mà doanh nghiệp đã mua hàng từ công ty con của đối tác nước ngoài sẽ được đối tác này cấn trừ.
Với phương án này, doanh nghiệp xuất khẩu không phải vay quá nhiều USD của ngân hàng, đối tác nước ngoài cũng bán được hàng hóa cho doanh nghiệp, có lợi cho cả hai bên.
Theo các ngân hàng, việc vay hàng hóa nước ngoài không ảnh hưởng đến cung - cầu USD bởi doanh nghiệp xuất khẩu đã có nguồn thu ngoại tệ thay thế cho việc mua ngoại tệ. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay hàng hóa nước ngoài, bởi điều kiện vay thường rất ngặt nghèo.
Để phòng ngừa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không giao hàng, đối tác nước ngoài thường đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp giấy xác nhận của ngân hàng thương mại sẽ mua ngoại tệ để thanh toán các khoản vay hàng hóa ngắn hạn, còn đối với khoản vay hàng hóa trung và dài hạn, doanh nghiệp phải cung cấp cho đối tác nước ngoài giấy xác nhận mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu phải nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mới được đối tác nước ngoài cho vay hàng hóa.
Nguồn Người lao động