Thứ Sáu | 23/11/2012 11:44

Doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ kéo dài và nguy cơ hủy niêm yết

Một nửa số DN vận tải biển niêm yết vẫn tiếp tục lỗ trong quý III/2012, 3 doanh nghiệp có nguy cơ hủy niêm yết do lỗ vượt quá vốn điều lệ.
Tính tới thời điểm hiện tại, 10 doanh nghiệp vận tải biển niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/202, một nửa trong số này công bố lỗ.

Thua lỗ kéo dài

Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam ( VOS) có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm này và cũng là doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn nhất. Tính riêng quý III/2012, VOS lỗ hợp nhất quý thứ 3 liên tiếp với 25,3 tỷ đồng; lỗ lũy kế 9 tháng là gần 127,6 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối âm 109 tỷ đồng.

Xếp sau là công ty cổ phần Vận tải biển và thuê tàu ( VST), VST cũng lỗ trong cả 3 quý năm 2012, lỗ lũy kế 9 tháng là 89,6 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối tới 30/9 âm hơn 40 tỷ đồng.


Nguồn: GaFin, HNX, HSX
Nguồn: GaFin, HNX, HSX

Nguy cơ hủy niêm yết

Một số doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ vượt quá vốn điều lệ. Cụ thể, Công ty cổ phần Container phía nam ( VSG) lỗ 5,5 tỷ đồng trong quý III, lợi nhuận chưa phân phối âm 120,7 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 110,4 tỷ đồng. Công ty này cũng đã lỗ trong 2 năm 2010 và 2011.

Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô ( DDM) lỗ thêm 26 tỷ đồng trong quý III/2012; lợi nhuận chưa phân phối tính tới 30/9 là âm 95,8 tỷ đồng. Cổ phiếu DDM có khả năng rơi vào diện chứng khoán bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh quý IV/2012 không được cải thiện và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 có số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Để giảm thiểu chi phí, cắt lỗ, Hội đồng quản trị DDM đã trình cổ đông phương án bán hai tàu container Đông Du và Đông Mai. Tuy nhiên, phương án này đã bị bác bỏ.

Ngoài ra còn có Công ty cổ phần Hàng Hải Sài Gòn ( SHC), lỗ tính tới 30/9 là gần 60 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 43,4 tỷ đồng. Ngày 5/12 tới, SHC sẽ họp đại hội cổ đông bất thường phát hành riêng lẻ 2 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 63 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cước vận tải biển cũng như giá cho thuê tàu tụt giảm nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu phục hồi; trong khi đó các chi phí không giảm. Nếu trong thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu không được cải thiện, các doanh nghiệp này có nguy cơ tiếp tục thua lỗ.

Ngành vận tải biển trong nước

Hiện các doanh nghiệp trong nước đang chiếm khoảng 20% thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, 80% còn lại đang thuộc về các hãng nước ngoài. Nhưng việc giành lại thị phần là khó thực hiện bởi doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư tàu lớn, ngoài ra cũng chỉ đủ hàng để trở 1 chiều từ Việt Nam đi.

Một điểm sáng cho ngành vận tải biển là mới đây Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài chở hàng trên tuyến nội địa. Mặc dù, Luật Hàng hải đã có quy định: chỉ khi tàu biển Việt Nam không có đủ khả năng vận chuyển thì tàu biển nước ngoài mới được tham gia vận tải nội địa và cũng chưa có nước nào mở cửa cho tàu nước ngoài vận chuyển hàng hóa tuyến nội địa. Nhưng lợi dung quy trình cấp phép cũ, nhiều hãng tàu nước ngoài đã lách luật để hoạt động trên tuyến nội địa, khiến doanh nghiệp trong nước bị lép vế. Do đó, Thông tư này ra đời sẽ tránh được tình trạng lách luật và giúp đội tàu trong nước có được sự cạnh tranh công bằng.

Nguồn Khampha


Sự kiện