Doanh nghiệp vẫn khó dù đã nới lỏng tiền tệ, tài khóa
Ngày 30/7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến " Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013" nhằm đánh giá lại thực trạng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời cung cấp thông tin dự báo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhận biết và tận dụng cơ hội kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
Tại hội thảo, theo đa số các doanh nghiệp thì các vấn đề tồn kho, nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, gia hạn thuế) cho doanh nghiệp vẫn được nhìn nhận là chưa đạt được như kỳ vọng.
Biến động tỷ giá và xu hướng lãi suất vẫn đang là mối quan tâm và là mối lo hàng đầu của doanh nghiệp
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế-Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng, các giải pháp thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu thời gian qua đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Quyết, Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam cho rằng, tác động từ các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết đang triển khai chậm và mang nặng giải pháp hành chính. Chính phủ nên đơn giản các thủ tục hành chính để giúp các doanh nghiệp triển khai tốt hơn với các hoạt động của mình.
"Với tình hình này, phải đến giữa năm 2014 thì các doanh nghiệp trụ lại với thị trường mới có những bước phát triển, nền kinh tế cũng mới bước vào chu kỳ phát triển mới", ông Hoàng Văn Quyết chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có khó hơn so với khu vực dân doanh nên cần có lộ trình, kế hoạch nhưng tiến độ còn chậm. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi bước đi thích hợp, thận trọng, phù hợp với điều kiện cụ thể.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam cho rằng, tái cấu trúc là cần thiết, nhưng không chỉ tập trung vào công nghiệp, tài chính- ngân hàng mà cần tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhìn nhận về đầu tư công, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu chỉ tăng đầu tư công thì không hiệu quả, mà cần đẩy mạnh tăng cầu xã hội, tăng sức mua cho người dân, giải quyết hàng tồn kho, tăng đầu tư công hiệu quả, tăng số lượng tín dụng bằng hiệu quả tín dụng và chất lượng tín dụng.
Ông Doanh đánh giá cầu đang ở mức rất thấp, sức mua thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, nên cần phải tăng tổng cầu, tăng sức mua để thúc đẩy tăng trưởng, phải cân đối cung cầu chứ không phải tăng cung bằng bất cứ giá nào.
Nguồn TTXVN