Việt Nam có thể sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp Úc ngày càng quan tâm đến thị trường Đông Nam Á
Cuối tháng 8, lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp từ Úc và Đông Nam Á đã thảo luận về cơ hội hợp tác giữa hai bên. Diễn đàn Kinh doanh Úc – ASEAN, diễn ra sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Úc hồi tháng 3, thể hiện rõ tham vọng của chính phủ Úc về việc tăng cường kết nối với Đông Nam Á.
Với Úc, một hành lang kinh tế vững mạnh và năng động với Đông Nam Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong quá khứ, Úc từng bị cô lập với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới, và chỉ dựa vào lực lượng dân số khá ít ỏi để thúc đẩy nền kinh tế.
Thế nhưng hiện tại, tình hình đã thay đổi. Úc chỉ cách 500km so với Đông Nam Á, khu vực sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu vào cuối thập niên này. Nhờ vào dân số trẻ, thị trường tiêu dùng Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt giá trị 4.000 tỉ USD vào năm 2030, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Đặc biệt, mối quan hệ kinh tế giữa Úc và Việt Nam đang trở thành trụ cột quan trọng trong hợp tác khu vực.
Đầu năm nay, Úc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, tạo cơ hội cho hai nước mở rộng hợp tác kinh tế. Theo HSBC, Việt Nam có thể sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay. Điều này, cùng với vị thế trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Úc.
Đông Nam Á đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều công ty công nghệ và kinh tế mới. Nền kinh tế số của khu vực này có thể đạt giá trị 600 tỉ USD trong vòng 6 năm tiếp theo. Song song với sức mạnh tiêu dùng đang lớn mạnh, Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ các xu hướng địa chính trị dài hạn như việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp Úc đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Hiện tại, câu hỏi đặt ra không phải là có nên thâm nhập thị trường ASEAN hay không, mà là cách tiếp cận như thế nào cho hiệu quả. Để thành công, doanh nghiệp Úc cần có chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Việt Nam hiện có 16 FTA đang có hiệu lực với đa dạng các quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới, cùng với ba FTA đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam hiện là đối tác thương mại hai chiều lớn thứ 14 của Australia, và hai nước đang đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 20 tỉ USD trong ba năm tới.
Bên cạnh thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp tạo sức hút thương mại. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào Việt Nam đạt khoảng 2 tỉ USD, với hơn 600 dự án, trong khi Việt Nam cũng đã đầu tư 584 triệu USD vào Úc. Hai nước đồng thuận tăng gấp đôi lượng đầu tư này trong ba năm tới.
Khi dân số tăng trưởng, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cần chi tiêu nhiều hơn để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng để phục vụ người dân.
Hiện nay, nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực ASEAN vẫn còn thiếu ba nghìn tỉ USD. Từ đây đến năm 2040, trung bình hàng năm cần chi tiêu 210 tỉ USD để giải quyết sự thiếu hụt này. Trong đó, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỉ USD mỗi năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tức là cần huy động tổng cộng khoảng 600 tỉ USD tới năm 2040.
Trong bối cảnh đó, các quỹ hưu trí của Úc, với quy mô 39.000 tỉ đô la Úc, có thể đóng góp quan trọng vào các dự án hạ tầng và năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Chính phủ Úc cũng đã thành lập Quỹ Đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỉ đô la Úc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
Việc thành lập trung tâm giao dịch đầu tư tại TP.HCM là một bước tiến quan trọng, giúp kết nối các doanh nghiệp Úc với cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nếu thực hiện tốt, các công ty Úc trong lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ chuyên nghiệp và hậu cần sẽ có thể tận dụng lợi thế này để phát triển các chuỗi cung ứng bền vững và lâu dài.
Úc đã có kinh nghiệm từ các chiến lược đầu tư thành công ở thị trường Mỹ, Anh và Canada. Những bài học này sẽ giúp các doanh nghiệp Úc tiến vào Đông Nam Á với sự tự tin hơn, tạo tiền đề cho hợp tác kinh tế bền vững giữa hai bên.
Có thể bạn quan tâm: