zing.vn

 
Hải Vân Thứ Hai | 26/03/2018 08:53

Doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục teo tóp

Bức tranh ngày càng rõ nét khi quy mô đầu tư trung bình chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng năm 2017, mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tuần trước, so với chỉ có 15.000 doanh nghiệp dân doanh trước năm 2000 đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động đã tăng lên tới 479.000, với số vốn đầu tư và việc làm cũng tăng tương ứng.

Các doanh nghiệp dân doanh hiện sử dụng 8,39 triệu lao động, chiếm khoảng 60% lực lượng lao động phi nông nghiệp của cả nước, số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đáng chú ý, mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chính thức vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) chưa bao giờ vượt quá 11% trong suốt giai đoạn phân tích. Sau khi giảm đỉnh điểm vào năm 2008, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm gần đây, nhưng chưa trở lại mức đỉnh từng đạt được trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Thực ra, nếu tính từ sau khi có Luật Doanh nghiệp, năm 2000, tỷ trọng đầu tư tư nhân nội địa trong tổng đầu tư đã tăng lên nhanh chóng. Sau những sụt giảm ban đầu khi Việt Nam gia nhập WTO, con số này hiện bằng 39% đầu tư cố định.

Mức tăng trưởng này tương ứng với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp dân doanh, gồm các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp dưới các loại hình như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc công ty cổ phần.

Nhóm nghiên cứu PCI đã chắc chắn rằng tỷ trọng đóng góp hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP Việt Nam có phần liên quan đến sự ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khu vực kinh tế tư nhân chính thức, những doanh nghiệp mới thành lập đóng vai trò chính cho tỷ trọng vốn đầu tư. Trong khi đó, mức đóng góp do các doanh nghiệp đang hoạt động tăng đầu tư là không đáng kể.

Trên thực tế, quy mô của các doanh nghiệp tư nhân đã giảm theo thời gian, quy mô đầu tư trung bình chỉ là 460 triệu đồng, theo giá trị năm 1994, khoảng 1,2 tỷ đồng năm 2017, tương đương khoảng 54.000 đô la, mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Xu hướng nhỏ đi về quy mô lao động cũng đồng thời diễn ra. Ở đây, rõ ràng là khu vực tư nhân có tỷ trọng sử dụng lao động tăng, việc cải cách đã dẫn tới cắt giảm lao động và tăng cường tập trung vào các lĩnh vực tâm dụng vốn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.  

Khối doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân hiện chiếm gần 65% việc  làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi khu vực vốn nước ngoài dù đang phát triển mạnh nhưng khó có thể hấp thụ được hết hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, vai trò tạo việc làm của khu vực tư nhân chủ yếu là thông qua các doanh nghiệp thành lập mới, với quy mô lao động ở mức thấp lịch sử, chỉ 17 lao động bình quân mỗi một doanh nghiệp.

Thực tế, con số này thậm chí là quá cao và chưa phản ánh đúng tình hình, bởi một vài công ty quy mô lớn đã phần nào tác động làm tăng quy mô trung bình của doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra PCI năm nay, có trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động, khoảng 85% có dưới 50 lao động.

Theo nhóm nghiên cứu, một phần nguyên nhân của tình trạng quy mô doanh nghiệp thu nhỏ, có thể đến từ các tập đoàn lớn. Các tập đoàn này có nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau nhưng lại đăng ký và nộp thuế theo từng công ty con riêng lẻ. Điều này, có thể lý giải từ sự gia tăng rất rõ ràng của số lượng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân tiếp tục teo tóp thực là chuyện không mới. Gần thời điểm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, năm 2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã cảnh báo về sự teo tóp của các doanh nghiệp Việt Nam là đáng kể, vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa, quy mô không lớn.

Khi đó, chỉ khoảng 2% doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh thành doanh nghiệp vừa trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang rất mạnh, dự kiến sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chiếm khoảng 70%, xuất khẩu chiếm khoảng 68%.

Thông tin từ nhiều câu hỏi khác trong điều tra PCI cũng cho thấy tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn.

Theo số liệu điều tra PCI năm nay, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Những con số này cho thấy khu vực tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục teo tóp khiến Việt Nam đang thiếu doanh nghiệp các doanh nghiệp cỡ trung và lớn để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.

Thách thức là rất lớn đến từ việc làm thế nào để tăng quy mô cho những doanh nghiệp nội địa này và tạo điều kiện để họ hội nhập tốt hơn cùng các doanh nghiệp nước ngoài và nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị.