Doanh nghiệp tư nhân áp đảo trong xếp hạng nộp thuế nhiều nhất
Xuất hiện nhiều nhất trong bảng xếp hạng
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa công bố Bảng xếp hạng (Top) 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Theo đó, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với năm 2016.
Trong Bảng xếp hạng năm 2017, có 703 doanh nghiệp nằm trong Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất của cả 2 năm 2016, 2017. Và có 297 doanh nghiệp được bổ sung mới trong Bảng xếp hạng năm 2017.
Nếu xét theo cơ cấu ngành nghề, công nghiệp chế biến, chế tạo đang là ngành đứng đầu với 36,7% tỷ trọng số nộp trên toàn Bảng. Tiếp theo là lĩnh vực ài chính ngân hàng và bảo hiểm, với số nộp chiếm 14,8%. Lĩnh vực Thông tin truyền thông đứng thứ 3, chiếm 9,3% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.
Bảng xếp hạng năm 2017 một lần nữa ghi nhận Viettel tại vị trí dẫn đầu về nộp thuế. Bên cạnh đó, Top 10 trong Bảng xếp hạng năm nay còn ghi nhận sự hiện diện của 4 gương mặt mới là Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Khối doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ doanh nghiệp xuất hiện trong Bảng xếp hạng nhiều nhất, với 458 doanh nghiệp, chiếm 45,8% số doanh nghiệp, với tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 34,1% toàn Bảng. Điều này cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng được đánh giá là thành phần kinh tế chủ chốt.
Khối doanh nghiệp FDI có tổng số 404 doanh nghiệp, chiếm 40,4% số doanh nghiệp trong bảng với tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp của khối này là 36,7% trong Bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng năm 2017 có sự xuất hiện của 17 doanh nghiệp nhà nước, đóng góp đến 27,7% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng xếp hạng.
Nhưng lép vế nhất
Phải mất nhiều tháng, một doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ mới có thể hoàn thành những thủ tục vay vốn. Hàng loạt những quy định từ xác nhận tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, giấy phép kinh doanh mà nhiều khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ khó có thể vượt qua.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường được trải thảm đỏ ở hầu hết các tỉnh thành, thậm chí tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các tỉnh thành. Họ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế, đất đai, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, mà bất kỳ doanh nghiệp tư nhân trong nước nào cũng đều mơ ước. Điều này phần nào tạo ra một môi trường thiếu bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân vốn đã nhỏ, lại càng khó có thể lớn lên.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép bình quân CAGR) của các khối doanh nghiệp. Nguồn: Vietnam Report |
Không những thế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa khác để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, trong quá trình đầu tư nếu lỗ được chuyển lỗ sang năm sau và số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Đây là những lợi thế lớn của khối doanh nghiệp này nhưng lại trở thành bất lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, khi tiềm lực, năng lực đều kém hơn các doanh nghiệp đến từ nước ngoài.
Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ luôn là đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi các chính sách và họ luôn là bên yếu thế. Trong khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2 năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết "tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp" và hơn 42% doanh nghiệp đồng ý "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước".