Thứ Ba | 18/12/2012 07:01

Doanh nghiệp trong nước giảm mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị

Trong 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước nhập khẩu máy móc, thiết bị chỉ đạt khoảng 6,84 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ.
Số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định cũng như tạo tiền đề cho sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục có nhiều dấu hiệu giảm đáng ngại.

Cụ thể, nếu như những năm trước đây, mỗi tháng thường nhập khẩu khoảng 1,3-1,5 tỷ USD máy móc, thiết bị với tốc độ tăng trưởng mỗi năm bình quân vào khoảng 15-20%, thì riêng năm nay tính đến tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này mới đạt khoảng 14,68 tỷ USD, chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ 2011.

Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 4,73 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 32% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Nhật Bản 3,13 tỷ USD, tăng 23,9%; Hàn Quốc 1,58 tỷ USD, tăng 39,3%...

Đáng chú ý, khu vực FDI nhập khẩu 7,84 tỷ USD, tăng 32,4% trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chỉ đạt 6,84 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ cho thấy khó khăn đang tập trung chủ yếu vào khối doanh nghiệp trong nước.

Trước đó, lý giải về nguyên nhân giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay do khó tiếp cận với các nguồn vốn vay do lãi suất cao nên chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề vốn ngắn hạn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu chứ chưa quan tâm đến vấn đề vốn dài hạn.

Ông Chinh cho rằng, nếu không quan tâm đến vấn đề vốn dài hạn phục vụ cho những dự án dài hơi hơn, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Do đó, Bộ Công Thương đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ưu đãi trong năm 2013 tới.

Nguồn Khampha/Tổng cục Hải quan


Sự kiện