Ảnh: Plo.vn
Doanh nghiệp tôn Việt có hưởng lợi khi tôn Trung Quốc bị áp thuế?
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 25/6. Mức thuế CBPG tạm thời dao động trong khoảng 3,45 - 34,27% được áp dụng đối với hơn 20 công ty.
Trao đổi với NCĐT, ông Vũ Văn Thanh, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết quyết định này là tin vui đối với cả ngành tôn Việt Nam. Bởi thời gian qua, tôn Trung Quốc được bán với giá rẻ, khiến các doanh nghiệp Việt không cạnh tranh được. “Việc áp thuế sẽ làm tăng giá mặt hàng tôn Trung Quốc. Từ đó, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Đây là cơ hội để cho các doanh nghiệp tôn trong nước, trong đó có Hoa Sen tăng sản lượng và thị phần, ông Thanh nhấn mạnh.
Việc áp thuế chống bán phá giá tôn Trung Quốc là cơ hội để doanh nghiệp tôn Việt tăng thị phần.. Ảnh: Baodautu.vn |
Theo ông Thanh, thời gian qua, việc tôn giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường đã gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp cũng như toàn ngành tôn Việt. Cùng với đó là việc giá nguyên liệu đầu vào không ổn định, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành tôn mạ Việt phụ thuộc rất nhiều vào giá thép cán nóng, nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tôn mạ. Sở dĩ tôn Trung Quốc được bán với giá rẻ và vì họ có thể khép kín chu trình sản xuất và lợi thế về quy mô.
VCSC nhận định giá thép cán nóng giảm mạnh 15% trong quý 1 năm tài chính 2019 khiến các nhà sản xuất tôn mạ chịu ảnh hưởng với lượng hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán giảm trong nữa đầu quý 2 năm tài chính 2019
►Việt Nam áp thuế chống bán phá giá hơn 34% với tôn mạ màu Trung Quốc
►Cơ hội nào cho các doanh nghiệp tôn thép nội địa trong năm 2019?
Với Hoa Sen, trong tháng 1-2/2019, tập đoàn tiếp tục ghi nhận doanh số tôn mạ bán ra thấp với mức giảm lần lượt 11% và 36% so với cùng kỳ chủ yếu do giá thép cán nóng giảm mạnh khiến cho các nhà phân phối và khách hàng cuối giảm mua hàng để tránh trữ hàng tồn kho giá cao. Dù vậy, HSG vẫn đạt được mức lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 30 tỷ đồng, hay mức lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng trong giai đoạn 1/1/2019 tới 31/3/2019.
Trong khi đó, lượng thép tấm bán ra của CTCP Thép Nam Kim (NKG) trong quý I/2019 tiếp tục giảm 11% xuống 129.407 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần Công ty chỉ đạt 2.943 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lỗ ròng Công ty hơn trăm tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 121 tỷ đồng. Theo giải trình của Thép Nam Kim, nguyên nhân thua lỗ là do giá nguyên vật liệu biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty.
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cạnh tranh về giá khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất tôn mạ ngày càng “nhạy cảm” với giá nguyên liệu đầu vào. Việc đầu tư mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong vài năm qua khiến tổng công suất tôn mạ vượt nhu cầu nội địa. Đến cuối năm 2018, tổng công suất tôn mạ của 6 doanh nghiệp có thị phần đầu ngành (chiếm 83% thị phần) đạt gần 5 triệu tấn, nhưng công suất hoạt động chỉ đạt trung bình 64%. VDSC từng khuyến cáo rằng, để ứng phó với môi trường đang thay đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, các doanh nghiệp ngành tôn nên chủ động giảm đầu tư tăng công suất.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc kinh doanh VNDirect Hồ Chí Minh nhận định rằng: "Việc áp thuế sẽ có tác động tích cực ngắn hạn với các doanh nghiệp như Nam Kim hay Hoa Sen". Tuy nhiên, về dài hạn, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp tôn lớn của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức khi phải khép kín chu trình sản xuất để tối ưu giá thành phẩm. Thêm vào đó, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước cũng rất gay gắt do các nhà sản xuất tăng công suất trong giai đoạn 2016 – 2018. Vì vậy, việc áp thuế chỉ có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh chứ khó có thể cứu cánh lâu dài cho các doanh nghiệp ngành tôn mạ Việt.