Doanh nghiệp tiết kiệm 1,6 tỷ USD nếu thủ tục hải quan giảm được 1 ngày
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, thời gian thông quan Hải quan chiếm 28%, bộ phận khác chiếm 78%. Dựa trên chỉ số đánh giá thời gian thông quan, ông Cung khẳng định chỉ cần giảm 1 ngày trong thủ tục hải quan thì sẽ giúp khối doanh nghiệp tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. "Xin một giấy phép cũng mất ít nhất một ngày. Có những giấy phép, tính hiệu quả không cao, không có tác dụng ngăn chặn nhưng vẫn phải xin", ông Cung nói.
Theo ông Cung, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong quá trình xuất nhập khẩu chịu tứ bề sức ép từ cơ quan nhà nước, hãng tàu, cảng biển... Tiền mực in hết mấy chục triệu, nộp hồ sơ chở bằng ô tô, hàng chục tải hồ sơ... cho thấy quản lý hết sức yếu kém.
Chung quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung, bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) công bố Việt Nam xếp hạng 65 trên tổng số 189 nước về thủ tục xuất nhập khẩu. "Nếu không có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với nhau thì việc giảm thủ tục cho doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn. Có những cái nhỏ như bỏ đóng dấu giáp lai thôi cũng đỡ đi rất nhiều", bà An nói.
Bình luận về thứ hạng này, TS. Nguyễn Đình Cung nói, Việt Nam xếp hạng thứ 65, tức trên mình còn 64 nước nên dư địa cải cách còn rất nhiều. "Tôi cho rằng còn quá nhiều điều phải cải cách", ông Cung cho biết.
Cũng tại hội thảo, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng các văn bản là bộ, ngành ban hành, Tổng cục Hải quan chỉ thay mặt các cơ quan thực hiện. Nếu văn bản rành mạch thì thực hiện rất dễ, nhưng vấn đề doanh nghiệp gặp phải cũng là những vướng mắc mà chính Tổng cục Hải quan cũng phải đối mặt.
Theo ông Hải, các văn bản cơ quan Hải quan gác cửa thực hiện gồm 19 luật liên quan trực tiếp đến quản lý chuyên ngành, có 30 nghị định hướng dẫn và gần 20 thông tư, văn bản hướng dẫn để xử lý liên quan vấn đề quản lý hàng XNK chuyên ngành, yêu cầu phải có giấy phép, giấy quản lý chất lượng, điều kiện kiểm dịch y tế, văn hóa..
Ông Hải nêu lên cái khó của việc thực hiện các quy định về kiểm tra, thông quan hàng hóa giữa các bộ ngành với nhau, mà vấn đề cốt yếu nhất nằm ở sự không thống nhất và rõ ràng.
Ông Hải đưa ví dụ, cũng một tên hàng kê khai danh mục hàng hóa, cụ thể như cái máy scan, nhưng danh mục quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa Thông tin lại kê khai mã số và danh mục biểu thuế lại khác với Tổng cục Hải quan. Theo tìm hiểu, danh mục của Bộ Văn hóa Thông tin ban hàng năm 2006 không cập nhật kịp thời với biểu thuế năm 2011 của Bộ Tài chính. Do đó, ông Hải đề nghị danh mục các bộ, ngành phải cập nhật, loại bỏ những mặt hàng không cần thiết kiểm tra và đánh mã số HS đi kèm trong tờ khai hải quan.
Ông Hải cũng nhắc nhở thêm các doanh nghiệp cần phải gắn mã số HS đi kèm trong tờ khai hải quan. Thực trạng hiện nay, dù cơ quan hải quan có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành khi ban hành các danh mục hàng xuất nhập khẩu chuyên ngành yêu cầu phải gắn mã số HS với danh mục đó nhưng nhiều doanh nghiệp không làm. Điều đó gây ra tranh chấp giữa Hải quan và doanh nghiệp.
Nguồn Theo DVO