Ảnh: Reuters
Doanh nghiệp tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhiều chuyên gia dự báoTrước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Theo thống kê của Tổng cục hải quan, hành vi giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gian lận thương mại thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Các thủ thuật gian lận điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó dán nhãn mác của Việt nam và xuất đi các nước khác.
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế WTO, câu chuyện về chuyển tải hàng hóa hay đội lốt hàng Việt Nam thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tầm nhìn ngắn hạn hoặc muốn lợi ích ngắn hạn thì đã cho phép doanh nghiệp trung quốc đội lốt hàng Việt Nam. Có nghĩa là hầu hết nguyên phụ liệu là hàng Trung Quốc, nhưng được dán nhãn là Việt Nam.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ gian lận và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Năm 2017, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng phát hiện trường hợp gian lận của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu INTERWYSE. Cụ thể, theo khai báo công ty này nhập khẩu mặt hàng “củ loa, sạc điện thoại mới, C/O Trung Quốc” nhưng khi kiểm tra thực tế trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Năm 2018, hải quan Mỹ cũng từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.
Gần đây nhất là nghi án của Tập đoàn điện tử Asanzo khi công ty này đã nhập khẩu hàng loạt thiết bị điện tử gia dụng có xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Giả mạo xuất xứ hàng hóa thường xảy ra với mặt hàng gỗ, thép. |
Theo ông Trần Du Lịch, vì động cơ lợi nhuận nên một số doanh nghiệp Việt đã tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Vấn đề này đã được cảnh báo khá lâu, nhưng vẫn có một số trường hợp xảy ra như là thép cuộn, gỗ dán. “Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà ảnh hướng tới toàn ngành, bởi đây sẽ là cái cớ để Mỹ áp thuế đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam”, ông Lịch cho biết.
►Việt Nam lên tiếng về việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu
►Ứng phó với cáo buộc "thép Trung Quốc đội lốt thép Việt"
►Báo Mỹ nói gì về hàng Trung Quốc dán nhãn "Made-in-Vietnam" để xuất sang Mỹ?
Không chỉ với ngành thép, gỗ, mà đây cũng là lo lắng chung của các doanh nghiệp ngành da giày. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội da giày TPHCM, hiện nay thị trường Mỹ chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp nhập hàng từ Trung Quốc về và dán nhãn mác Việt Nam rồi xuất qua Mỹ. “Hiện nay ngành da giày chưa có doanh nghiệp nào nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn mác Việt Nam rồi xuất đi. Mong rằng nó sẽ không xảy ra, nhưng chắn chắc sẽ xảy ra”, ông Khánh lo ngại.
Ông Khánh cũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp da giày xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế 13 – 19%. Do đó, nếu các doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa và bị Mỹ phát hiện, thì Mỹ sẽ áp một mức thuế rất cao, có thể còn cao hơn 25% của Trung Quốc. Nếu vậy, ngành da giày Việt Nam sẽ thiệt hại kinh khủng bởi “năm 2006 ngành da giày Việt Nam đã bị EU đánh thuế chống bán phá giá 10% kéo dài đến năm 2010 khiến các doanh nghiệp da giày lao đao”, ông Khánh nêu dẫn chứng.
Mạnh tay hơn với gian lận xuất xứ hàng hóa
Theo ông Lịch, để kiểm soát được tình trạng này, thì không chỉ nhà nước mà cần cả các hiệp hội và doanh nghiệp, bởi không ai hiểu rõ nội tình doanh nghiệp bằng các hiệp hội. Nếu phát hiện vi phạm, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay. Với những trường hợp điển hình, có thể xử lý hình sự về hành vi gian lận thương mại. “Chúng ta phải tiếp tục cảnh báo và ngăn ngừa những hiện tượng như vậy, không chỉ xuất khẩu mà cả trong thị trường nội địa để bảo vệ người tiêu dùng", ông Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Khánh cũng cho khuyến cáo doanh nghiệp phải có giải pháp hoàn chỉnh tránh lợi nhuận nhỏ mà hại tới lợi nhuận lớn. Vì khi Mỹ phát hiện ra những sản phẩm của mình nó tăng đột biến thì chắc chắn họ sẽ có biện pháp trừng phạt. Do đó, đây chỉ là lợi ích nhỏ cho doanh nghiệp nhưng nó ảnh hưởng đến toàn ngành da giày của Việt Nam.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị ngành Hải quan rà soát, kiểm tra công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ gỗ dán xuất khẩu nhập khẩu của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay. Đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ, hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp.