Doanh nghiệp thủy sản vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng xuất khẩu
Một giám đốc công ty thủy sản tại Vĩnh Long cho rằng sản xuất cá tra lúc nào cũng gắn với nguồn vốn, từ người nuôi cá tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi giờ đây bỏ hầm, treo ao nhiều do thua lỗ, khiến doanh nghiệp phải tự nuôi hoặc liên kết với người nuôi. Nguồn vốn vay chiếm 70 - 80% trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, tiếp cận vốn từ các ngân hàng luôn là rào cản khi doanh nghiệp không đủ điều kiện cộng với một chính sách triển khai luôn có độ trễ. Nhiều doanh nghiệp vẫn nằm ngoài chính sách. Vì vậy, có hay không có ưu đãi về vốn thì doanh nghiệp vẫn không trông chờ nhiều vào nguồn vốn này.
Theo dự thảo Nghị định 75/2011/NĐ-CP, các đối tượng được bổ sung trong danh sách vay vốn tín dụng có thêm những doanh nghiệp dùng vốn mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trong khi một số ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp thủy sản, được ngân hàng ưu tiên hàng đầu không hẳn vì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà vì đây là nhóm khách hàng an toàn, tín dụng ít rủi ro hơn thì dự thảo bổ sung Nghị định 75/2011/NĐ-CP tiếp tục là hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp sản xuất.
Các chính sách về tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cũng làm doanh nghiệp bớt khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, chính sách nào cũng phải có độ trễ nhất định, không dễ đi ngay vào cuộc sống.
Thực tế, các doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng khó vay, vì không đủ tài sản thế chấp, hạn mức còn thấp. Để nguồn vốn đến với người nuôi và doanh nghiệp dễ dàng hơn, cần phân loại doanh nghiệp làm nhiều nhóm để có chính sách cho vay cụ thể từng nhóm.
Nguồn Thủy sản Việt Nam