Doanh nghiệp thủy sản gặp khó về kiểm dịch hàng nhập khẩu
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, trước khi quyết định mua hoặc sản xuất thử mặt hàng mới (không nhằm mục đích thương mại), họ thường yêu cầu khách hàng gửi hàng mẫu là sản phẩm thủy sản đông lạnh để khảo sát chất lượng. Đây là trường hợp phát sinh ngoài kế hoạch với số lượng nhỏ được gửi bằng đường hàng không để rút ngắn thời gian.
Tuy nhiên theo quy định tại TT06, đã là hàng nhập, dù khối lượng lớn hay nhỏ đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm dịch theo đúng trình tự bao gồm: đăng ký kiểm dịch và xin giấy phép nhập khẩu với Cục Thú y. Sau khi có Giấy phép nhập khẩu mới được làm thủ tục khai báo, kiểm tra hàng và lấy giấy chứng nhận kiểm dịch. Quy định này đã tăng thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đã buộc phải vận chuyển bằng hàng không trong thời gian gấp để quyết định mua sớm nguyên liệu.
Bên cạnh đó, theo quy định tại TT06, để làm thủ tục đăng ký kiểm dịch hàng thủy sản nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Điều này gây khó khăn cho các lô hàng tạm nhập tái xuất, hoặc xuất khẩu sang nước trung gian rồi mới đến Việt Nam. Việc kiểm tra dư lượng phóng xạ đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản cũng có nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian với các thủ tục rườm rà và chi phí cao.
Trước những khó khăn này, ngày 11/4/2013, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đã gửi Công văn số 66/2013/CV-VASEP tới báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp nhập thủy sản có lô hàng bị vướng trong các trường hợp kể trên. Theo thông tin mới nhất, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng, sửa đổi, thay thế TT06.
3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu thủy sản đạt 133 triệu USD. Dự báo cả năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu sẽ đạt 700 đến 720 triệu USD.
Nguồn Dân Việt/Vasep