Chế phẩm từ cá tra có giá cao gấp nhiều lần so với cá tra nguyên liệu. Ảnh: IDI
Doanh nghiệp thủy sản đã làm gì khi chi phí logistic tăng nhanh?
Nếu da cá tra tươi có giá khoảng 0,5 USD/kg thì collagen, một sản phẩm chế biến từ da cá tra có giá cao gấp 50 đến 80 lần. Vì thế, mới đây Navico đã đầu tư nhà máy chế biến collagen từ da cá tra với công suất lên tới 800 tấn thành phẩm mỗi năm.
Tương tự, mỡ cá tra sau khi tinh luyện thành dầu ăn sẽ có giá cao hơn 3 -4 lần. Đó là lý do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai đổ không ít tiền nghiên cứu công nghệ sản xuất dầu ăn và shorteing, margarine từ mỡ cá tra. Sau khi nghiên cứu này thành công, Sao Mai tiếp tục phát triển dự án chế biến nước mắm từ huyết cá và sản xuất bột nước dùng cũng từ cá. Trong cuộc họp cổ đông, Tổng giám đốc Sao Mai cho biết dựa trên những sản phẩm cao cấp mới, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 6,3 lần so với năm 2021.
Tại Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến, bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile cá tra thì doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng 2 nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng. Cùng định hướng, Công ty Godaco cuối năm nay sẽ đưa vào khai thác nhà máy thứ hai, nâng công suất chế biến sản phẩm gia tăng từ cá tra lên 400 tấn mỗi ngày, nâng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu từ 15% lên 25% trong năm 2023, thay thế dần hàng phổ thông.
Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến để nâng giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp thủy sản cũng tích cực chuyển đổi số trong quản lý nuôi trồng, kinh doanh. Do mức độ hao hụt của mặt hàng thủy sản rất lớn, nên làm thế nào để lưu trữ lại mọi dữ liệu cần thiết và quản lý một cách hệ thống nhất có thể từng mặt hàng luôn là nỗi trăn trở của những người hoạt động trong ngành.
Chẳng hạn Công ty TNHH Hải Nam mất hơn 10 năm tìm kiếm, thử nghiệm để tìm được lối đi phù hợp với công nghệ số ERP - SAP. Công nghệ này giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả thông tin mọi giai đoạn, mọi mặt hàng từ chế biến đến xuất khẩu. Ngoài ra, Hải Nam cũng từ đây phát triển phần mềm quét sản phẩm công đoạn, tính lương dựa trên mã thẻ từ và phát triển tính năng quản lý giấy tờ thuỷ sản trên phần mềm SAP. Đại diện công ty cho biết, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào quá trình sản xuất, doanh số của Hải Nam đã tăng lên 140%.
Xuất khẩu thủy sản tháng 8 đạt 917,06 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ 2021. Ảnh; T.L |
TS. Nguyễn Thanh Mỹ Chủ tịch HĐQT MyLan Group cũng vừa công bố: sau 18 tháng tìm hiểu và nghiên cứu, ông đã dần phát triển được mô thức nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh giàu oxy Tomgoxy (viết tắt cho chữ Tôm Giàu Oxy), cải thiện được nhiều vấn đề hiện nay. Mô thức này được phát triển dựa trên sự sáng tạo tích hợp các công nghệ vật lý, hoá học, sinh học và kỹ thuật số, giúp người nông dân, doanh nghiệp tăng cao năng suất. Mọi hoạt động, cơ chế của mô hình Tomgoxy đều được tự động hoá, vận hành với công nghệ số và trí tuệ nhân tạo thay vì làm thủ công so với các phương pháp truyền thống hiện nay. Thời gian chiếu sáng cũng được nâng cao từ dưới 12 tiếng tới 18 tiếng trở lên một ngày bằng cách sử dụng ánh sáng nhân tạo kết hợp với ánh sáng tự nhiên.
Hệ thống mới này giảm được 4,5 lần tiếng ồn so với hệ thống cũ, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm dễ dàng theo dõi mọi chỉ số của ao nuôi tôm cũng như sức khỏe của từng cá thể tôm chỉ thông qua chiếc điện thoại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 8 đạt 917,06 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 7,6 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng cao, như tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 22,5%; cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 80,7%; cá ngừ đạt gần 724 triệu USD, tăng 54,1%; mực và bạch tuộc đạt gần 478 triệu USD, tăng 33,5%...