Thứ Bảy | 18/01/2014 01:00

Doanh nghiệp thưởng tết cao nhất: 709 triệu đồng

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng theo khảo sát, tiền lương năm 2013 vẫn có xu hướng tăng hơn năm 2012.
Tổng hợp từ báo cáo từ 63 tỉnh thành, thành phố gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, mức thưởng tết âm lịch cao nhất năm nay đạt 709 triệu đồng và thưởng tết dương lịch cao nhất đạt gần 470 triệu đồng, tập trung tại các doanh nghiệp FDI ở TPHCM.

Tại buổi họp báo công bố điều tra mức lương thưởng 2014 diễn ra chiều16/1, ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐ-TBXH) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết âm lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân bằng khoảng một tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/ người, tăng 20% so với mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân năm 2013).

Mức thưởng cao nhất tại một doanh nghiệp FDI ở TP.HCM khoảng 709 triệu đồng, tăng 9,2% so với mức thưởng Tết âm lịch cao nhất năm ngoái (650 triệu đồng).

Tuy nhiên, cũng có tới 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động tại 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng tết.

Về thưởng Tết dương lịch, mức thưởng tết dương lịch cao nhất cũng tại các doanh nghiệp FDI ở TP HCM với khoảng 463,7 triệu đồng, giảm gần 30% mức thưởng Tết dương lịch cao nhất năm 2013.

Mmức thưởng Tết dương lịch bình quân khoảng 1,1triệu đồng / người, giảm 10% so với mức thưởng Tết dương lịch bình quân năm 2013.

Về vấn đề tiền lương, ông Lai cho hay, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng theo khảo sát, tiền lương năm 2013 vẫn có xu hướng tăng hơn năm 2012.

Cụ thể, tiền lương bình quân ước đạt 5 triệu đồng/tháng, tăng 19,2% so với năm 2012 và cao hơn so với tốc độ tăng của năm 2012 (tăng 9,4%).

“Song, mức tăng này chủ yếu do lương tối thiểu vùng tăng, đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, sản xuất, tăng lương để giữ chân công nhân” – ông Lai nói.

Bên cạnh đó, do tình hình sản xuất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản nên có 22 tỉnh, thành phố có 79 doanh nghiệp nợ 75,7 tỉ đồng tiền lương của hơn 10.000 lao động.
Theo ông Lai, báo cáo này là tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành gửi bộ với cuộc khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động. Song, con số trong báo cáo vẫn chưa phản ánh hết những gì diễn ra trên thực tế.

Trong năm 2014, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho hay, bộ sẽ xây dựng một mẫu khảo sát mới theo các tiêu chí cụ thể để có một bức tranh chính xác hơn về lương thưởng của các doanh nghiệp.

Nguồn CafeF


Sự kiện