Dịch chuyển cơ sở sản xuất nhằm cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản kể từ khi đại dịch COVID- 19 bùng phát và lan rộng. Ảnh: AP
Doanh nghiệp thiết bị y tế, điện thoại, điện tử Nhật rời Trung Quốc sang Việt Nam
Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Trong danh sách này, có 15 doanh nghiệp Nhật Bản gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME) sẽ được chính phủ nước này hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Danh sách 15 công ty Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: Jetro. |
Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.
Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tổng cộng 70 tỉ Yên trong đợt khuyến khích dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc lần này. Ảnh: Reuters |
Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỉ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Ngoài 30 công ty được trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Chính phủ Nhật Bản cũng chi ít nhất 57,5 tỉ yen (536 triệu USD) cho 57 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp để chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Theo thông báo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đây là động thái để cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản kể từ khi đại dịch COVID- 19 bùng phát và lan rộng.
Dự án chuyển các doanh nghiệp sang khu vực châu Á còn nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản - ASEAN. Theo báo cáo, có tới 124 đơn vị đăng ký và 30 công ty đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di dời sang khu vực Đông Nam Á lần này.
Kể từ khi mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng dẫn đến bùng nổ cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp Mỹ và nhiều quốc gia khác rục rịch “thoát ly” khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có quốc gia nào ngoài Nhật Bản ban hành chính sách cụ thể để khuyến khích sự ly khai. Trang Nikkei cũng xác nhận chính phủ Nhật sẽ trả tổng cộng 70 tỉ yên trong vòng chi trả bồi thường lần này. Trước đó hồi tháng 4, chính phủ từng dự định thanh toán khoảng 243 tỉ yên (hơn 2,2 tỉ USD) để giảm dần phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Đối với nền kinh tế Nhật, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất và nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất từ nước này. Tuy nhiên, sự bùng nổ đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp Nhật phải dịch chuyển.