Trong tháng 11, giá thép ở đã phục hồi hoặc tăng mạnh ở hầu hết các thị trường toàn cầu. Ảnh: dautu
Doanh nghiệp thép "ấm lên" vào cuối năm
Thị trường thép trong nước và xuất khẩu đều khả quan
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 11, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng 4,34% so với tháng 10 và tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại cũng đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng mạnh gần 36,9% so với tháng 10, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thép bán ra trong tháng 11 cũng lập kỷ lục kể từ tháng 3.2019.
Xuất khẩu trong tháng 11 cũng khả quan hơn với số liệu xuất khẩu đạt hơn 478.300 tấn, tăng 21,52% so với tháng 10 và 40% so với cùng kỳ 2019.
Dù thế, tính luỹ kế 11 tháng, sản xuất, bán hàng và xuất khẩu thép các loại vẫn gần như đi ngang. Cụ thể, sản xuất thép các loại 11 tháng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 23,3 triệu tấn. Bán hàng thép 11 tháng năm nay so với cùng kỳ 2019 giảm gần 1%, đạt hơn 21 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019, đạt trên 4,1 triệu tấn.
Suốt một năm qua, ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh:bariavungtau |
Về thị trường nguyên liệu sản xuất thép, giá quặng sắt đầu tháng 12 tăng khoảng 16-17% so với đầu tháng 11. Thép cuộn cán nóng HRC ngày 2.12 là 592 USD/tấn nhưng đến 8.12 giá chào đã tăng lên 700 USD/tấn, tăng khá mạnh so với đầu tháng 11.
Theo VSA, nền kinh tế trong tháng 11 tiếp tục phục hồi trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng là nhân tố tạo đà tăng trưởng cho thị trường thép.
Các doanh nghiệp thép đều tăng trưởng tốt
Hiện chưa có doanh thu và lợi nhuận quý IV nhưng theo Báo cáo tài chính của các công ty thép trong quý III/2020 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều báo lợi nhuận lớn. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 9, sản lượng sản xuất thép thô của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đạt 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8.2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 9, sản lượng sản xuất thép thô của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đạt 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: ndh |
Trong quý III/2020, Công ty ghi nhận 24.900 tỉ đồng doanh thu, tăng 62,7% so với quý III/2019, lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát chạm mốc này trong một quý. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 65.000 tỉ đồng doanh thu, tăng 40%, lợi nhuận ròng đạt 8.845 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình thị trường nhiều khả quan cũng như nhằm cơ cấu lại thị trường, vừa qua Tập đoàn Hòa Phát quyết định thành lập Công ty Cổ phần Gang thép Hòa Phát và Công ty Cổ phần Ống thép và Tôn mạ màu Hòa Phát.
Một doanh nghiệp lớn khác báo lãi tăng trưởng mạnh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Công ty này ước lợi nhuận sau thuế quý IV niên độ tài chính 2019 - 2020 (từ ngày 1.7 đến ngày 30.9.2020) đạt 400 tỉ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ niên độ trước. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu quý vừa qua cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 46% và 31%, trong khi các quý trước giảm.
Một doanh nghiệp lớn khác báo lãi tăng trưởng mạnh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: bnews |
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý III/2020 tăng vọt 183% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, SMC đạt doanh thu 11.257 tỉ đồng, lãi sau thuế hơn 156 tỉ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, SMC đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.200 tỉ đồng và 120 tỉ đồng lãi ròng. Đến nay, Công ty đã thực hiện vượt gần 30% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Ngoài các “ông lớn” trên, một số doanh nghiệp thép quy mô nhỏ hơn đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2020 khá tích cực như: Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất lãi ròng 4,7 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 3 tỉ đồng); Công ty Cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel lãi ròng 3,8 tỉ đồng, tăng trưởng 44,61% so với quý III/2019; Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng lãi ròng 2,5 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 11 tỉ đồng) …
Trong các tháng cuối năm 2020, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tiếp tục đánh giá triển vọng khả quan với ngành thép. Đối với thị trường nội địa, đây là giai đoạn triển khai xây dựng các dự án hạ tầng đầu tư công, góp phần hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng. Tiêu thụ ống thép tiếp tục hồi phục tốt nhờ xây dựng dân dụng và hoạt động sản xuất.
Còn đối với thị trường xuất khẩu, BSC đánh giá nhu cầu phôi thép và tôn mạ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc, tuy nhiên mức độ sẽ giảm dần về cuối năm.