Thứ Sáu | 26/10/2012 11:36

Doanh nghiệp thành lập mới giảm nhưng vốn đăng ký tăng nhẹ

Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng là: Giáo dục đào tạo tăng 24%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 11,5%...
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, tính đến thời điểm 20/9, cả nước có gần 51.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số doanh nghiệp và tăng 0,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2011.

Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng là: Giáo dục đào tạo tăng 24%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 11,5%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm là: kinh doanh bất động sản giảm 47,8%, khai khoáng giảm 46,1%, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm 25,3%, xây dựng giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2011. .

Tính đến 21/8/2012, Chính phủ đã gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng cho hơn 190.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đối với thuế GTGT của tháng 4, 5 và 6; gia hạn nợ thuế TNDN gần 2.680 tỷ đồng cho hơn 64.500 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đã giải quyết giảm tiền thuê đất gần 500 tỷ đồng cho hơn 3.600 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại và gia hạn 1.140 tỷ đồng đối với khoản thu tiền sử dụng đất cho hơn 80 doanh nghiệp; giải quyết miễn thuế và hoàn thuế môn bài cho gần 45.000 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối…

Về chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính đến hết tháng 6/2012, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chấp thuận bảo lãnh cho 1.951 lượt doanh nghiệp (chiếm 77,3% tổng số doanh nghiệp có nhu cầu bảo lãnh) với giá trị vốn vay chấp thuận bảo lãnh 15.316 tỷ đồng (chiếm 95% tổng số vốn vay có nhu cầu bảo lãnh).

Ngoài ra, đã có trên 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân,… được các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương bảo lãnh với số dư bảo lãnh đạt 866,6 tỷ đồng (tính đến 30/6/2012).

Bộ Tài chính cũng đã tập trung vào tăng cường công tác điều hành giá, công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo giá cả hàng hóa, đặc biệt giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất phản ánh đúng giá trị thị trường; hạn chế tình trạng buôn lậu, găm giữ hàng hoá, thao túng thị trường và chống chuyển giá.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình sử dụng kinh phí NSNN cho các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2012; và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí cho Bộ Công Thương để tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 50 tỷ đồng cho công tác tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ thị trường.

Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp về thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế và hải quan cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân… cũng được Bộ Tài chính tiếp tục triển khai.

Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiếp tục kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bổ sung nhằm hỗ trợ.

Nguồn Bộ Tài chính


Sự kiện