Doanh nghiệp sản xuất rượu trong nước phải mua tem dán nhãn: Liệu có khả thi?
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước của Bộ Tài chính đã quy định rõ: Tổng cục Thuế thực hiện in, thông báo phát hành tem cho rượu sản xuất trong nước rồi gửi cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố để các đơn vị trực thuộc bán cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu.
Các DN phải làm các thủ tục như: Đăng ký số lượng, mua tem rượu chi tiết đến từng loại với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp. Nếu DN không đăng ký sẽ bị coi như không có nhu cầu sử dụng tem.Trong trường hợp quá trình sản xuất rượu có biến động, có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng tem (tăng hoặc giảm) thì phải đăng ký điều chỉnh số lượng tem.
Nhận xét về quy định này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối rượu trong nước phải dán tem đáp ứng các tiêu chí như: Chống thất thu NSNN, khuyến khích và bảo vệ các DN sản xuất chân chính, tránh tình trạng làm giả, nhái thương hiệu uy tín. Vì chỉ tiếng riêng rượu "cuốc lủi" sản xuất nhỏ, lẻ mỗi năm lên tới 300 triệu lít.
Trong khi đó, rượu sản xuất theo giấy phép chỉ khoảng 1/3 số đó, tức 100 triệu lít/năm. Trong khi ngân sách Nhà nước mỗi năm hiện chỉ thu được từ ngành rượu 400-500 tỉ đồng tiền thuế. Thời gian quan do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, DN trong nước vẫn cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái các nhãn hiệu rượu sản xuất trong nước và nhập khẩu nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, góp ý vào Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cho rằng việc dán tem trên sản phẩm rượu là bắt buộc và phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước. Nhưng việc thu tiền cấp tem đối với DN sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm rượu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước là không hợp lý và không có cơ sở pháp lý.
Mặt khác, theo Bộ Tư pháp nếu việc thu tiền đối với tem sản phẩm rượu được thực hiện dưới hình thức thu lệ phí như dự thảo Thông tư của Bộ tài chính sẽ không đúng thẩm quyền bởi theo quy định của Chính phủ hiện nay (tại Nghị định 57/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí và lệ phí) thì tổ chức, cá nhân (có trách nhiệm thu phí, lệ phí) chỉ được thu các loại phí, lệ phí có trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành trong Nghị định này. Trong đó, việc thu phí, lệ phí đối với hoạt động cấp tem sản phẩm rượu chưa được quy định trong Danh mục này.
Còn theo đánh giá của các DN, kinh phí mua tem rượu sẽ là khoản không nhỏ đối với DN, bắt buộc các DN phải tăng giá như vậy càng đẩy khó cho người tiêu dùng. Tại Hội nghị lấy ý kiến của các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, để đưa ra những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức mới đây đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của DN.
Giám đốc Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (HALICO) Hồ Văn Hải kiến nghị: Nếu áp dụng mẫu tem nhập khẩu dùng cho tem sản xuất rượu theo Nghị định 94/2012 thì sẽ rất khó để sản xuất ở quy mô công nghiệp (đặc biệt là với dây chuyền đóng chai, dán nhãn với công suất 20.000 chai/giờ như của HALICO); còn nếu áp dụng dán thủ công thì sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất cho DN cũng như giảm công suất thực tế của dây chuyền.
Trên cơ sở đó, DN đề nghị cơ quan quản lý nhà nước quy định về in, quản lý, sử dụng tem sản xuất rượu… theo hướng đảm bảo độ bền để các DN có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng nhằm mục đích chống hàng giả.
Nguồn Báo Hải quan