Doanh nghiệp quan ngại vụ thuế chống phá giá inox
“Với việc áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội 20%-40% theo yêu cầu của Posco VST và Hòa Bình Inox, các doanh nghiệp như chúng tôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn rất lớn thậm chí buộc phải đóng cửa hoặc phá sản”, theo đơn kiến nghị đề ngày 29-10-2013 của các doanh nghiệp ngành thép.
Ông Lê Tấn Quốc, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Minh Hữu Liên, cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá như trên sẽ khiến cho công ty không tránh khỏi việc tăng giá sản phẩm.
Điều này là do trong trường hợp đánh thuế 20%-40% thì giá bán các sản phẩm inox và vật liệu xây dựng làm từ thép không gỉ cán nguội sẽ phải tăng tương ứng từ 15%-30%.
Còn một khi mức thuế chống bán phá giá được áp 20%-40%, thì các doanh nghiệp trong ngành khi mua thép của Posco VST sẽ phải mua cao hơn 20%-21% so với giá hiện tại.
Trong trường hợp hàng của Posco VST không phù hợp, phải mua hàng từ Trung Quốc, thì do áp dụng thuế chống bán phá giá, mức giá cũng sẽ tăng 20%-40%.
Diễn tiến của vụ việc bắt đầu từ tháng 5 năm nay khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Hòa Bình Inox yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá 20%-40% đối với sản phẩm trên nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Hồi tháng 6, Hiệp hội Thép cũng đã gửi một bản kiến nghị nêu lên một số vấn đề quan ngại về chuyện này và sau đó, ngày 2/7, Bộ Công Thương có Quyết định số 4460/QĐ-BCT chính thức mở cuộc điều tra về vụ việc theo đơn kiện.
Đến ngày 30/9, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ra thông báo gia hạn thời hạn ra quyết định sơ bộ theo đó thời hạn chậm nhất để cơ quan điều tra ra quyết định sơ bộ là ngày 2-12-2013.
Mới đây, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thép không gỉ lại tiếp tục gửi đơn đến Bộ Công Thương nêu lên mối quan ngại khi họ sẽ phải mua nguyên liệu inox với giá cao.
Đơn kiến nghị cho rằng cả Posco VST và Hòa Bình đều không đủ điều kiện để đứng đơn khởi kiện chống bán phá giá theo Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế Giới (WTO).
Và các doanh nghiệp này cho rằng nếu áp dụng thuế chống bán phá giá thì chỉ mang lại lợi ích cục bộ cho Tập đoàn Posco chứ không phải của cả ngành.
Quan trọng hơn, điều này có thể dẫn đến vị thế thống lĩnh thị trường của hai doanh nghiệp đứng đơn khởi kiện khi cả Posco VST và Hòa Bình Inox hiện chiếm 81,1% thị phần trong nước.
Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện với TBKTSG Online ngày 4/7, ông Kang Koo Yang, Giám đốc bộ phận kinh doanh nội địa của Posco VST, khi được hỏi "Liệu có hợp lý không khi Posco VST đề xuất áp thuế 20- 40% lên tất cả loại thép không gỉ cán nguội, trong khi công ty chỉ cung cấp một số loại thép không gỉ cán nguội nhất định?", đã trả lời rằng Posco VST "có thể sản xuất tất cả các loại thép không gỉ nếu thị trường có nhu cầu với mức giá hợp lý".
Thế nhưng, như thế nào là “mức giá hợp lý” thì vẫn chưa biết được, và theo các doanh nghiệp trong ngành, “việc xác định mức giá được cho là "hợp lý" do Posco VST đưa ra có thực sự hợp lý hay không thực tế không hề đơn giản”.
Nguồn TBKTSG