Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi ra sao nếu áp thuế GTGT 5%. Ảnh minh họa: DPM.

 
Việt Hà Thứ Sáu | 23/10/2020 08:45

Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi ra sao nếu áp thuế giá trị gia tăng 5%?

Ngày 8.10, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Đề xuất áp thuế GTGT 5%

Dự thảo này sẽ được trình lên Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin phê duyệt trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới từ 20.10 đến 17.11. Việc thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng cho ngành phân bón đã được đề xuất từ năm 2017 trong Dự thảo Luật sửa đổi 6 luật thuế. Tuy vậy, việc đánh giá Luật mới này đã bị hoãn lại do độ phức tạp của việc thay đổi luật. Từ đó đến nay đây là lần đầu tiên việc thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng cho ngành phân bón được cân nhắc trở lại và có một lộ trình cụ thể.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng đây là dấu hiệu tích cực và chính sách mới có thể được thông qua vào tháng 11 tới đây.

Dự kiến lộ trình thay đổi chính sách. Nguồn: VNDirect.
Dự kiến lộ trình thay đổi chính sách. Nguồn: VNDirect.

Theo VNDirect, việc phê duyệt một nghị quyết dễ dàng hơn nhiều so với phê duyệt luật mới. Thêm vào đó, đánh thuế mặt hàng phân bón có thể giúp bổ sung nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, hỗ trợ việc dùng chính sách tài khóa như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19. Và cuối cùng là các cơ quan có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam) đều ủng hộ việc sửa đổi chính sách.

Tác động hai chiều của chính sách thuế

Theo dự thảo Nghị quyết, mặt hàng phân bón sẽ được đánh thuế giá trị gia tăng ở mức 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế giá trị gia tăng cho chi phí đầu vào, làm giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, vốn đang không chịu thuế đầu vào và đầu ra, sẽ đánh mất lợi thế về thuế, qua đó giảm sức cạnh tranh so với hàng nội địa.

 

VNDirect đánh giá tích cực đối với ngành phân bón, nhờ động lực từ thay đổi chính sách. Tuy vậy, công ty chứng khoán này cho rằng tác động của chính sách mới lên các doanh nghiệp là khác nhau do sự khác biệt về cơ cấu chi phí và khả năng chuyển nghĩa vụ thuế vào giá bán cho khách hàng.

Theo đó, các công ty sản xuất phân ure có thể hưởng lợi nhiều hơn các công ty nhập khẩu và sản xuất NPK. Theo VNDirect ước tính, chi phí thuế giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong giá vốn hàng bán của các nhà sản xuất ure (như DPM, DCM) do hơn 50% nguyên liệu đầu vào phải chịu thuế giá trị gia tăng, trong khi phần lớn nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất NPK hiện được miễn thuế. Thêm vào đó,  thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho nguyên liệu đầu vào ure (khí, phụ gia) là 10%, cao hơn mức 5% áp dụng cho nguyên liệu đầu vào của phân lân (quặng apatit, serpentin), do đó khoản khấu trừ cho ure sẽ cao hơn. Rủi ro giảm giá là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ làm giảm lợi ích từ việc thay đổi chính sách.

Bên cạnh những lợi ích về giảm chi phí vốn, VNDirect đánh giá việc áp 5% thuế giá trị gia tăng có tác động đến dòng tiền của các nhà sản xuất phân bón dựa trên kế hoạch năm 2020. Nếu giả định toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu ra được chuyển qua khách hàng, dòng tiền của các doanh nghiệp phân bón sẽ cải thiện bằng đúng phần khấu trừ thuế đầu vào.

* Có thể bạn quan tâm 

►"Thế cờ EVFTA" của hàng hiệu

 Sau 2 tháng có hiệu lực, EVFTA đã giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu được gần 1 tỉ USD