Trong thời gian qua, cổ phiếu ngành phân bón đã được hưởng lợi lớn từ diễn biến giá hàng hóa. Ảnh: TL.

 
Kim Anh Thứ Năm | 14/04/2022 14:29

Doanh nghiệp phân bón, hóa chất được dự báo tăng trưởng lợi nhuận bằng lần

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research vừa công bố báo cáo dự báo kết quả kinh doanh của các nhóm ngành trong quý I/2022.

Trong đó, nổi bật nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất và phân bón với các cái tên nổi bật Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC). 

 

Cụ thể, với Đạm Phú Mỹ, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của Công ty ở mức 1.800 tỉ đồng trong quý I/2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tăng lên. 

Đạm Cà Mau cũng được dự báo lợi nhuận sau thuế ở mức 1.000 tỉ đồng, gấp 6,6 lần so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh. 

Hóa chất Đức Giang cũng không hề thua kém khi được dự báo đạt mức lợi nhuận 1.500 tỉ đồng trong quý I/2022, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước và cũng nhờ giá bán bình quân tăng mạnh. 

Trên thị trường, các cổ phiếu DPM, DCM, và DGC dường như trở thành "con cưng" của nhiều nhà đầu tư khi đặt trong bối cảnh thị trường biến động thì nhóm này vẫn đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến hết phiên giao dịch 13/4, giá cổ phiếu DPM, DCM và DGC đã tăng lần lượt là 39,4%; 11,2% và 44,5%, vượt trội hơn so với diễn biến giảm nhẹ 1,4% của VN-Index. 

Trước đó, trong báo cáo được công bố hồi giữa tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng dành sự đánh giá tích cực đối với ngành phân bón với những câu chuyện tích cực như việc áp lực nguồn cung phân bón trên thế giới khi Nga - quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn đã chính thức ngừng xuất khẩu phân bón; Nga và Ukraine chiếm đến 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu sản xuất lương thực là cần thiết, thúc đẩy nhu cầu phân bón. Thêm vào đó, Mirae Asset cho rằng nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý II/2022.

 

Năm 2022, Mirae Asset dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông mẹ của Đạm Phú Mỹ đạt 16.404 tỉ đồng và 5.064 tỉ đồng, lần lượt tăng 28,3% và 62,5% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 1,33 triệu tấn, tăng 6% cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên mức 43,5% với giá bán bình quân mỗi tấn tăng 20% cùng kỳ và doanh thu tài chính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự cải thiện tài chính.

Đối với Đạm Cà Mau, Mirae Asset dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông mẹ trong năm 2022 đạt 12.554 tỉ đồng  và 3.616 tỉ đồng, lần lượt tăng 27,2% và 88,5% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 1,08 triệu tấn, tăng 4% cùng kỳ;  biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 37,8% với giá bán bình quân mỗi tấn tăng 20% cùng kỳ và doanh thu tài chính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí tài chính giảm 15%. 

Còn đối với Hóa chất Đức Giang, Công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 14.005 tỉ đồng và 4.096 tỉ đồng, tăng 46,6% và 71,5% cùng kỳ nhờ giá bán duy trì tốt giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 37,1%; Axit Phosphoric điện tử đạt sản lượng 45.000 tấn. Giả định này chưa tính đến việc triển khai mỏ Apatit mới và mảng bất động sản chưa phát sinh doanh thu trong dự báo năm 2022. 

Có thể bạn quan tâm 

Cổ phiếu phân bón hưởng lợi

Sức khỏe tài chính các công ty bất động sản vẫn tương đối an toàn

Cổ phiếu “họ” FLC được giải cứu