Thứ Năm | 14/03/2013 14:06

Doanh nghiệp nước ngoài phản ứng thế nào với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt?

Theo khảo sát của VCCI, nhà đầu tư cho rằng sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt không mang tính chính trị và ít quan ngại hơn về tham nhũng.
Theo báo cáo mới chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu thử nghiệm về rủi ro đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Thử nghiệm này bắt nguồn từ sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị bắt ngày 20/8/2012.

"Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là một cú sốc lớn, hoàn toàn bất ngờ với nhà đầu tư", nhóm nghiên cứu nhận định.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra cảm nhận của 1.540 doanh nghiệp nước ngoài (87% trong số này là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) về sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Theo đó, chỉ số niềm tin của doanh nghiệp FDI giảm 22% trong thời hạn 30 ngày kể từ sau sự kiện này. Một số doanh nghiệp FDI cho rằng sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là tín hiệu báo trước rủi ro hợp đồng và chính sách sẽ tăng lên.

Thay đổi trong cảm nhận về rủi ro do sự kiện ngày 20/8
Thay đổi trong cảm nhận về rủi ro do sự kiện ngày 20/8
Nguồn: VCCI

Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng sự kiện này không mang tính chính trị, thú vị hơn, nhà đầu tư tỏ ra ít quan ngại hơn về tham nhũng sau sự kiện, bởi họ cho rằng Chính phủ đang tăng cường xử lý tham nhũng, hoặc cũng có thể do nhà đầu tư ngày càng e dè hơn khi trả lời vầ vấn đề tham nhũng.

Phân chia theo quốc gia, các nhà đầu tư từ Trung Quốc là những người bị sự kiện này tác động mạnh, họ đã giảm 37% kế hoạch mở rộng kinh doanh của mình, chỉ đứng sau các doanh nghiệp đến từ Anh và cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng 20% và rủi ro chính sách tăng 22%.

Song, tại các doanh nghiệp FDI có quản lý là người Việt Nam, họ ít bị tác động hơn từ sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, khi trả lời vẫn có kế hoạch mở rộng sau sự kiện này.

Kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sau sự kiện ngày 20/8
Kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sau sự kiện ngày 20/8
Nguồn: VCCI

Xét về ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất chịu tác động mạnh hơn các ngành khác (16% doanh nghiệp ít có khả năng sẽ mở rộng sản xuất sau sự kiện này). Các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Các ngành xây dựng, nông nghiệp, khai thác tài nguyên thiên nhiên đều chịu cú sốc lớn, song không nghiêm trọng như ngành sản xuất.

Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả báo cáo cho hay, vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên ngày 20/8/2012 là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.

Sự kiện cũng khiến niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước giảm một nửa chỉ trong 20 ngày. Trong đó, doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo báo cáo của VCCI, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, liên quan đến những sai phạm tại các công ty con mà ông Kiên sở hữu và những hoạt động trên thị trường vàng. Việc ông Kiên có sử dụng tài sản của ACB để tham gia vào những hoạt động này hay không hiện vẫn là chủ đề gây tranh cãi và phải chờ phán quyết của tòa án.

Sự kiện này đã gây ra cú sốc trên thị trường tài chính, bởi sự nổi tiếng của ACB. Trong nhiều năm, ACB luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, khi mà Standard Chartered nắm 15% cổ phần ngân hàng này, trước đó có cả Dragon Capital.

Theo tính toán của Pincus, ACB cũng là ngân hàng cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng, cho thấy mức ảnh hưởng của ACB tới các ngân hàng khác.

Trên thị trường chứng khoán, tại thời điểm xảy ra vụ bắt giữ, ACB là ngân hàng ngoài quốc doanh lớn nhất với tài sản ước tính 256 nghìn tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường là 22,6 nghìn tỷ đồng.

Khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt chính thức bung ra vào ngày 21/8, chỉ số VN Index giảm mạnh từ 437 điểm xuống 392 điểm trong vòng 3 ngày (giảm 10%), báo cáo của VCCI cho hay.

Theo VCCI

Nguồn Khampha


Sự kiện