Doanh nghiệp nước ngoài đang muốn thâu tóm thị trường bán lẻ xăng dầu
Theo ông Ruệ, việc các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam điều tra về thị trường bán lẻ đã có từ lâu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cửa hàng thí điểm để thăm dò thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với các mặt hàng bán lẻ khác. “Với xăng dầu thì lại khác, các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm đến hệ thống bán lẻ của ta. Họ hỏi tôi mỗi cửa hàng xây dựng bao nhiêu tiền, bán như thế nào”, ông Ruệ nói.
Đặc biệt, một xu hướng mới của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đó là mua lại các doanh nghiệp trong nước, hệ thống cửa hàng sẵn có chứ không đầu tư xây mới. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn so với chi phí xây dựng để kinh doanh.
Ông Ruệ lấy ví dụ, để xây dựng một cửa hàng xăng dầu cần có đất, chi phí xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, kho chứa…hết khoảng 1 triệu USD. Nhưng khi xây xong thì nước ngoài vào mua giá có thể lên tới 1,2 triệu USD. “Đặt mình trong vai trò là người bỏ vốn ra làm đại lý. Vậy khi làm xong mà được trả giá lãi như vậy tội gì không làm. Hiện nay Việt Nam có khoảng 2000 đại lý xăng dầu, bán lại cho nước ngoài là xu hướng rồi”, ông Ruệ phát biểu.
Ông Ruệ giải thích, không chỉ xăng dầu mà hiện nay hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam đang chuẩn bị bán cho nước ngoài. Vừa rồi tỷ phú Thái Lan cũng đã mua Metro với giá 900 triệu USD. Ngoài siêu thị, ngành xi măng đang phải đối mặt với việc nhiều nhà máy đã được bán cho Indonesia như: các nhà máy xi măng ở tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, xi măng Hà Tiên chuẩn bị bán... Nguyên nhân của việc này là do phía Indonesia đã cấm việc xây dựng nhà máy xi măng trong nước nên các doanh nghiệp nước này phải ra nước ngoài đầu tư.
Ông Ruệ cho rằng nếu hệ thống bán lẻ xăng dầu cứ như hiện nay, không quan tâm tới hội nhập với thị trường xăng dầu thế giới, điều hành giá xăng dầu sát với thế giới…thì trong tương lai gần các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào. Lúc đó, Việt Nam sẽ bị đe dọa về an ninh năng lượng, phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài khiến nền kinh tế mất ổn định.
Theo ông Ruệ, doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh với nước ngoài, đủ sức để quản lý nhưng trở ngại nhất vẫn là cơ chế, chính sách của Nhà nước.
“Nghị định 83 có nhiều điểm mới tiến bộ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa thị trường xăng dầu Việt Nam tiệm cận cới khu vực và thế giới. Có như vậy mới đẩy lùi được làn sóng đầu tư của nước ngoài vào thị trường này”, ông Ruệ nêu quan điểm.
Nguồn Infonet